Cổ đông ngân hàng nhận gần 1 tỷ USD cổ tức giữa chu kỳ ‘tiền đắt'

Dũng Phạm - 08:00, 22/05/2023

TheLEADERNhiều ngân hàng đã công bố phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm liền không chia cổ tức bằng hình thức này, dành nguồn lực cho xử lý nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn.

Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) sẽ thực hiện trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu. Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này. Nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú có thể nhận được hơn 490 tỷ đồng cổ tức (chưa tính phần ông Phú đại diện sở hữu cho Tập đoàn Doji)

Về phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng này dự kiến dành trên 7.900 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng này, Chủ tịch HĐQT VPBank ông Ngô Chí Dũng cũng thông báo về chiến lược duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo, qua đó đảm bảo kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Ông Ngô Chí Dũng hiện sở hữu hơn 328 triệu cổ phiếu VPB; còn vợ ông - bà Hoàng Anh Minh - nắm hơn 326 triệu cổ phiếu. Ước tính hai người sẽ nhận được 655 tỷ đồng tiền cổ tức trong đợt này.

Tương tự, Ngân Hàng TMCP Phát Triển Nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng vừa công bố kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, dự kiến, HDBank sẽ phải chi khoảng 2.500 tỷ đồng để hoàn tất đợt chi trả cổ tức này. Ngoài ra, cổ đông của nhà băng cũng sẽ nhận được cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Với việc sở hữu gần 457 triệu cổ phiếu, Phó chủ tịch HĐQT bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Công ty cổ phần Sovico dự kiến nhận được khoảng 457 tỷ đồng tiền cổ tức .

Các cổ đông của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Trước đó, đầu tháng 3, nhà băng này đã tạm ứng cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%, tương ứng số tiền chi ra hơn 2.100 tỷ đồng. VIB dự kiến chi trả nốt phần cổ tức tiền mặt của năm 2022 (khoảng 1.050 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 5%) trong tháng 5 này. Như vậy, ước tính Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cùng với vợ là bà Trần Thị Thảo Hiền và con trai là ông Đặng Quang Tuấn có thể nhận được hơn 460 tỷ đồng từ hơn 311 triệu cổ phiếu đang sở hữu.

Mong chờ nhất có lẽ là cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi đây là lần đầu tiên họ nhận được cổ tức tiền mặt trong 8 năm qua. ACB dự kiến dành trên 8.400 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chia cổ tức với tỷ lệ dự kiến 25%. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương đương quy mô cổ tức tiền mặt là khoảng 3.400 tỷ đồng. Theo đó, chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy sẽ nhận được khoảng 115 tỷ từ cổ phần của ông. Công ty cổ phần Quản lý tài chính Dragon - cổ đông tổ chức nắm giữ hơn 233 triệu cổ phiếu ACB - sẽ được trả cổ tức hơn 233 tỷ đồng.

Sau nhiều năm chỉ được quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu và tập trung dành nguồn lực để xử lý nợ xấu như trong thời kỳ dịch COVID-19, được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng được xếp hạng cao đã tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt. Ước tính, hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD tiền mặt sẽ được các ngân hàng chi trả cho cổ đông.

Trong bối cảnh hiện tại, hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt trên được chi trả giống như “cơn mưa vàng giữa nắng hạn” dành cho các cổ đông ngân hàng. Không chỉ nhóm cổ đông nhỏ lẻ tỏ ra hào hứng khi gắt hái được nhận “tiền tươi thóc thật” từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra, nhóm các ông chủ nhà băng và các công ty góp vốn liên quan cũng sẽ đón nhận một nguồn vốn rất lớn, giữa chu kỳ “tiền đắt” hiện nay.

Mặc dù khá “hào phóng” trong việc chi trả cổ tức tiền mặt nhưng trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện để trả cổ tức. Đơn cử như Sacombank, năm ngoái ngân hàng này đạt 3.741 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nâng tổng lợi nhuận lũy kế tính tới cuối năm 2022 đạt 12.672 tỷ đồng. Tuy nhiên do đang thực hiện đề án tái cơ cấu nên Sacombank chưa thể trả cổ tức cho cổ đông suốt 7 năm qua.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn đang còn những nhà băng phải đối mặt với nhiều khó khăn về chất lượng tài sản do nợ xấu tăng nhanh trở lại. Thực tế, kết thúc quý I/2023, dù lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng kèm theo đó là mức nợ xấu cũng đang phình to, đi kèm với lãi phải thu tăng bất thường trên báo cáo tài chính.

Dù vậy, áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng trong năm 2023 đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chính thức được ban hành vào cuối tháng 4 vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đánh giá, đây là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng khi giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay, hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường TPDN trong năm 2023.

Tuy nhiên, các chính sách này chỉ có thời hạn đến hết năm 2023 và giữa năm 2024 nên sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của bên vay. Khi đó, sẽ phụ thuộc vào tình hình môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.