Có nên khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp?

07:57, 07/07/2021

TheLEADERCác chuyên gia đề xuất cần tạo cơ chế bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thay vì khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho khoảng 9 triệu lao động, tương đương với 16,5% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 30% GDP Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhận xét, khung pháp lý cho hộ kinh doanh gia đình vẫn tương đối mờ nhạt, gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế này.

Một số cản trở cho hộ kinh doanh gia đình có thể kể đến như hạn chế phạm vi hoạt động, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn và rủi ro về chi phí phi chính thức. 

Những cản trở này khiến hộ kinh doanh khó lòng phát triển, mở rộng quy mô hoạt động.

Đặc biệt, các hộ kinh doanh gia đình cũng phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng lại hạn chế trong khả năng tiếp cận những gói hỗ trợ chính sách của Chính phủ.

Đâu là lời giải?

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, thực chất hình thức kinh doanh theo hộ gia đình sở hữu nhiều lợi thế về tính linh hoạt và đơn giản hóa trong hoạt động. Tuy nhiên, để các lợi thế này được thể hiện, cần phải thừa nhận hộ kinh doanh là một đơn vị kinh tế chính thức và được bảo vệ bởi pháp luật tốt hơn.

Từ đó, ông Việt đề xuất cần có những hướng chính sách mới hiệu quả hơn dành cho hộ kinh doanh, bao gồm tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh tiếp cận với kênh huy động vốn cũng như cơ quan quản lý hành chính.

Trong bối cảnh mới, cần mở rộng khuyến khích, hỗ trợ cho hộ kinh doanh gia đình trong thời điểm khó khăn, thúc đẩy hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

Đồng tình về vai trò và sự cần thiết có những hoạt động hỗ trợ hộ kinh doanh, tuy nhiên TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét, cần phải xác định quan điểm đúng đắn để đưa ra chính sách hỗ trợ mang tính căn cơ, bài bản và lâu dài, thay vì “cứ vài ba năm lại phải lôi ra thảo luận”.

Không nên khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp
TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương.

Cụ thể, các hàm ý chính sách đối với hộ kinh doanh thường đi theo 3 hướng tiếp cận, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh cho hộ kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp và coi hộ kinh doanh là những doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo ông Hiếu, hướng tiếp cận coi hộ kinh doanh là những doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ mang lại hiệu quả nhất bởi nhìn nhận được đúng bản chất và tính chất, thay vì nhìn vào cái vỏ ngoài là mô hình. Qua đó, chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giữa cả quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần phải cẩn trọng với cách tiếp cận khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Thực tế, nhiều địa phương cho biết đặt trọng tâm vào việc khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không đem lại kết quả, thậm chí nhiều trường hợp đăng ký doanh nghiệp nhưng sau đó lại xin “tái hộ”.

“Họ nhận thức rõ, họ hiểu về sự khác biệt giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Sự lựa chọn của họ là có lý do”, ông Hiếu lý giải.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đồng tình với quan điểm không nên khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo ông Hòe, điều này tương đối “phản khoa học” vì hộ kinh doanh chưa chắc đã có trình độ, khả năng quản lý đáp ứng được các yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vướng phải những khó khăn nhất định, do đó không phải là hướng đi đúng đắn để giải quyết các vấn đề mà hộ kinh doanh gặp phải.