Có nên tiếp tục cách ly xã hội toàn quốc?

Hứa Phương - Kiều Mai - 08:00, 15/04/2020

TheLEADERChính phủ và cả nước đang đối mặt với bài toán rất khó: Tiếp tục giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc hay nới lỏng để mở cửa kinh tế trở lại.

15/4 là ngày cuối cùng trong đợt cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, việc tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc hay giãn cách theo diễn diễn biến dịch Covid-19 ở từng địa phương, hay nới lỏng để mở cửa kinh tế trở lại... đang là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng, doanh nghiệp và các chuyên gia.

Trao đổi với TheLEADER, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng người dân cũng như Chính phủ các nước đều đang trăn trở làm sao cân đối được hài hòa giữa sức khỏe cá nhân của người dân và cái giá kinh tế và xã hội phải trả. Giải pháp tối ưu là gì để vừa đảm bảo sức khỏe của người dân vừa tránh đưa kinh tế xuống quá mức chịu đựng làm mất sức bật sau khi cơn dịch đi qua.

Với tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người nhiễm vẫn ít hơn các nước trong khu vực và trên thế giới và quan trọng nhất là chưa có người tử vong do dịch. Để đạt được điều này một phần là nhờ vào các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của nhà nước. Tuy nhiên chính sách không phải là tất cả mà còn một phần là kháng thể miễn nhiễm con người Việt Nam tốt hơn các nước khác hoặc về điều kiện môi trường, địa lý.

Có nên tiếp tục cách ly xã hội toàn quốc?
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương

Có thể thấy, diễn biến dịch Covid-19 ở các địa phương không giống nhau. Như hiện nay có thủ đô Hà Nội (Hạ Lôi) với Bắc Ninh (Công ty Sam Sung) là đang còn 2 ổ dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, còn các địa phương khác kiểm soát tương đối tốt.

Vì vậy, theo ông Chương, Chính phủ nên áp dụng chính sách theo diễn biến dịch bệnh ở từng địa phương. Chẳng hạn như địa phương nào còn nhiều nguy cơ thì tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, còn địa phương nào chưa ghi nhận dịch thì nới lỏng cho doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thực tế từ khi xảy ra dịch, đặc biệt là 15 ngày giãn cách xã hội vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Đơn cử như hàng loạt doanh nghiệp tạm đóng cửa như với ngành ô tô có Vinfast, Ford, Toyota... các doanh nghiệp hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo máy bay nối đuôi đậu trên đường băng, các chuỗi bán lẻ như cà phê Trung Nguyên, Hightland... đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi, hàng loạt công ty ngành gỗ, may mặc lâm vào thế khó.

Sản xuất gần như “đóng băng” hàng hóa vật tư thì tồn đọng trong khi vẫn phải trả lương công nhân và chi phí mặt bằng và các chi phí khác. Còn với nông dân thì rau, quả, cá... sản xuất ra bán rẻ hoặc không bán được, tiền vay ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng.

So sánh tình hình dịch với các nước trên thế giới như Trung Quốc từng là tâm dịch của thế giới. Tình trạng dịch của Trung Quốc hiện nay vẫn nguy hiểm hơn Việt Nam nhưng hoạt động kinh tế nội địa của nước này không bị đóng băng. Hay như ở Mỹ được nhận định chưa qua đỉnh điểm dịch nhưng Tổng thống Donald Trump đang dự định mở cửa kinh tế trở lại.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần đề phòng dịch Covid - 19 bùng phát đợt hai và ba. Nếu điều đó xảy ra thì xã hội sẽ phản ứng như thế nào? Nên nhớ các lần dịch bệnh trước trên thế giới như dịch cúm Tây Ban Nha cách đây một trăm năm, lần thứ hai xảy ra sau lần thứ nhất ba tháng đã làm lây nhiễm và gây tử vòng gấp 10 lần lần thứ nhất và lần thứ ba sau lần thứ hai mấy tháng cũng rất thê thảm.

Ngoài những hệ lụy kinh tế nhiều vấn đề xã hội đang phát sinh từ con số thất nghiệp đang tăng nhanh. Thành phần xã hội có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nhất có khả năng sẽ gây nhiều bất ổn xã hội. Đó cũng là những điều cần được cân đối.

Nói như vậy để thấy rằng dừng hay tiếp tục kéo dài thêm thì Chính phủ cần cân đối được rủi do về sức khỏe của người dân với sức khỏe của nền kinh tế. Còn nếu chỉ tập trung vào bảo vệ sức khỏe của người dân thì các doanh nghiệp sẽ lâm vào tình thế khó khăn dẫn đến phá sản hàng loạt.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định sau giai đoạn cao điểm 15 ngày cách ly toàn xã hội, tiếp theo là cần đánh giá, khoanh vùng và phân loại theo các nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm tiềm ẩn rủi ro và nhóm nguy cơ thấp theo đó sẽ có giải pháp quyết định tiếp tục giãn cách, hay giãn cách một phần các khu vực trọng yếu hay ngưng giãn cách hoặc giãn cách tối thiểu có chọn lọc.

Có nên tiếp tục cách ly xã hội toàn quốc? 1
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land

Làm theo cách này, vừa kiểm soát được tình hình dịch bệnh vừa tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội ở những khu vực nguy cơ thấp.

Bởi vì 63 tỉnh thành với tình hình khác nhau mà áp chung một giải pháp thì e rằng sẽ chưa hợp lý và tác động đến an sinh xã hội của cả nước trong khi số lao động phổ thông và thu nhập thấp chiếm tỷ lệ khá cao.

Hơn nữa, Việt Nam đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng, khả năng chống chọi khi có khủng hoảng yếu. Do đó cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng đến nội lực nền kinh tế và tác động đến an sinh xã hội của người dân cũng như sự sống còn của doanh nghiệp.

Nên có phương án mang tính dài hạn để tránh sự ngưng trệ các hoạt động kinh tế quá lâu trong khi vẫn đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Với đặc thù ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, ông Mai Thanh Sơn sáng lập và Giám đốc công ty TNHH dưỡng sinh thẩm mỹ Mudra cho biết, các kế hoạch kinh doanh hiện tại đều phụ thuộc vào những động thái của Nhà nước. Khả năng cao là tiếp tục giãn cách trong tình hình khu vực sản xuất có lượng công nhân lớn bị ảnh hưởng và khó có thể giải quyết trong thời gian một hoặc hai tuần được.

Có nên tiếp tục cách ly xã hội toàn quốc? 2
Nhà sáng lập và Giám đốc Công ty TNHH Dưỡng sinh Thẩm mỹ Mudra Mai Thanh Sơn.

Ông Sơn cho rằng Nhà nước nên duy trì giãn cách các tỉnh thành phố đông dân và có nhiều ca nhiễm như Hà Nội và TP. HCM.

Còn với Mudra về mặt kinh doanh thì không muốn thời gian giãn cách kéo dài. Bởi vì thời gian qua, Mudra đã bị thiệt hại rất nhiều. Công ty đã chuẩn bị kịch bản cho trường hợp kéo dài đến hết tháng 5 nhưng nếu dịch kéo dài hơn thì chưa biết thế nào.

Trên thực tế, không có dòng tiền thì mọi lý thuyết không thể nói chuyện được. Doanh nghiệp không có tiền sẽ chết, bởi vì dòng tiền chính là máu. Về dài hạn thì khả năng cao sẽ phải chuyển đổi mô hình kinh doanh vì đóng cửa và không có nguồn thu. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải gánh các chi phí khác như nhân sự, chi phí mặt bằng. Về bản chất chi phí mặt bằng khó có thể cầm cự được bởi tính theo thời gian, thời gian dừng khai thác càng lâu thì càng chết.

"Chúng tôi đã đàm phán nhưng không phải chủ nhà nào cũng đồng ý giảm giá thuê mặt bằng. Hoặc có người chỉ đồng ý cho đợt đóng tiền mặt bằng tiếp theo, trong khi mình không biết doanh nghiệp có sống được đến lúc đó không. Cho nên những chi phí như vậy là áp lực cực lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể giải quyết được.

Hiện nay Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhưng hỗ trợ cái gì, như thế nào thì chưa rõ. Thậm chí đi ra ngân hàng còn không vay được tiền, ngân hàng còn thông báo luôn là đợt này lãi suất cao hơn trước, thậm chí họ còn không mặn mà cho vay", ông Sơn cho biết.

Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì đã xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố.

Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương. Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau, nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

Theo đó nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội như quy định tại Chỉ thị 16 của Chính phủ thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. 

Còn tại buổi làm việc trực tuyến với Chính phủ mới đây, TP. HCM và 7 địa phương khác kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội.