Con Cưng lý giải việc dán đè nhãn trên sản phẩm

Việt Hưng - 13:45, 28/07/2018

TheLEADERThông báo của Con Cưng cho biết, một nhà cung cấp sản phẩm của Con Cưng đã dán nhãn theo tên pháp nhân mới chèn lên nhãn theo tên pháp nhân cũ.

Những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường TP. HCM đã đồng loạt kiểm tra  các cửa hàng của hệ thống Con Cưng trên địa bàn thành phố theo yêu cầu của Cục quản lý thị trường Bộ Công Thương.

Quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy các sản phẩm của Con Cưng có dấu hiệu vi phạm về nhã mác, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời phát hiện việc dán nhãn công ty sản xuất chồng lên nhau ở một số trên một số hóa mỹ phẩm.

Công ty Cổ phần Con Cưng sau đó đã phát đi thông cáo báo chí thứ 2 trong tuần, cung cấp các thông tin nhằm chứng minh hàng hóa, sản phẩm của mình đầy đủ nguồn gốc xuất xứ.

Nội dung thông báo cho biết, Chi Cục quản lý thị trường TP. HCM, đã thống nhất ý kiến của Công ty Cổ phần Con Cưng: "Đến thời điểm hiện tại, phía Chi cục Quản lý thị trường chưa có kết luận, chỉ ghi biên nhận nội dung kiểm tra vụ việc trong quá trình kiểm tra và làm rõ".

Lý do được đưa ra là do nhiều điểm kinh doanh của Con Cưng bị kiểm tra đồng loạt tại cùng một thời điểm, trong khi chứng từ gốc của mỗi lô hàng chỉ có 01 bộ duy nhất, nên Con Cưng đã đề nghị phía cơ quan chức năng cho phép được nộp và giải trình hồ sơ tại một đầu mối.

Về vấn đề dán đè nhãn lên sản phẩm TiTiOne, Con Cưng cho biết, Sản phẩm TiTiOne được cung cấp bởi Công ty TNHH G&C. Kể từ ngày 24/01/2018, Công ty TNHH G&C đã đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne.

Bị tạm giữ 10.000 sản phẩm, Con Cưng vẫn khẳng định không vi phạm
Văn bản xác nhận từ phía Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne

Do đó, việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Công ty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Công ty TNHH G&C). 

Về vấn đề lỗi nhãn trên bộ thun bé gái, Con Cưng cho biết, đây là sản phẩm nằm trong lô hàng thuộc Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017 giữa Con Cưng và Nhà sản xuất WWW International Incorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan.

Sản phẩm được đặt hàng sản xuất với đầy đủ bộ nhãn mác CF (Concung Fashion) tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có một số nhãn hàng hóa không đáp ứng theo yêu cầu của Con Cưng, vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhà sản xuất Thái Lan đã gửi thư xác nhận, đề ngày 23/7 gửi tới Con Cưng.

Qua đó, phía Con Cưng khẳng định, sản phẩm được bán tại hệ thống là chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định của pháp luật.

Được thành lập vào năm 2011, Công ty Cổ phần Con Cưng chuyên phân phối các sản phẩm thuộc ngành hàng dành cho trẻ em như: quần áo, thực phẩm, sữa, tã, đồ chơi... và đưa các sản phẩm này ra thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ Con Cưng và Toy City.

Công ty đang vận hành 346 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, bao gồm 313 cửa hàng Con Cưng và 33 cửa hàng Toy City. Công ty tập trung vào thị trường TP. HCM và miền Nam. Nhờ đó doanh thu Con Cưng năm 2017 cũng chạm ngưỡng gần 1.000 tỷ, nhưng lợi nhuận khiêm tốn chỉ 18 tỉ đồng.

Đầu năm 2017, Con Cưng từng gây chú ý khi nhận được đầu tư từ quỹ Daiwa-SSIAM II, do Daiwa và SSIAM cùng quản lý. Quy mô của khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng thông thường quỹ này rót từ 4 đến 6 triệu USD vào mỗi công ty trong danh mục. Ước tính giá trị của Con Cưng khi đó là 25 triệu USD.