­­­­­Cộng đồng doanh nhân trẻ đề xuất 7 chính sách khẩn cấp tới Thủ tướng

Quỳnh Chi - 10:33, 27/09/2021

TheLEADERBên cạnh đề xuất một số hỗ trợ từ Chính phủ để vượt qua khó khăn và sẵn sàng phục hồi trong thời gian tới, các doanh nhân trẻ của Việt Nam cũng khẳng định tầm quan trọng của những nỗ lực tự thân, thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo doanh nghiệp.

­­­­­Cộng đồng doanh nhân trẻ đề xuất 7 chính sách khẩn cấp tới Thủ tướng
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Trong hai năm qua, các doanh nghiệp trên toàn quốc đã trải qua bốn đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19 với muôn vàn khó khăn. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành trong hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức đã dự báo, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ những năm 80.

Ông Thành cho rằng, nếu quý IV/2021 quay trở lại trạng thái bình thường mới và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3 - 4%. Dù vậy, đây vẫn là mức tăng thấp so với đà phục hồi của năm 2020.

Theo ông Thành, khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường sẽ là bốn nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng trở lại mạnh mẽ, góp sức vào sự phục hồi của nền kinh tế, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất bảy chính sách khẩn cấp trong cuộc gặp trực tuyến của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương.

Thứ nhất, cũng giống như vaccine, các doanh nhân trẻ đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phát trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc khoảng 1,5 USD. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, một khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương là số lượng lao động ba tại chỗ sẽ gia tăng kể từ sau 1/10/2021 để đẩy mạnh sản xuất. Nếu Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm do doanh nghiệp thực hiện thì khó khăn về vấn đề nhân lực sẽ được giải quyết kịp thời mà vẫn đảm bảo an toàn.

Thứ hai, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị xem xét các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6 - 9 tháng không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành Y tế, thực phẩm, sắt thép…

Theo ông Anh, Ngân hàng nhà nước vừa qua đã ban hành thông tư 14/2021, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết của chính sách này là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về thời gian thủ tục hành chính, để hỗ trợ và bù lại thời gian giãn cách, các doanh nhân trẻ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chính quyền giảm ½ thời gian thủ tục hành chính hiện hành.

Thứ tư, về việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp thành viên Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị mức giảm 50% đến hết tháng 6/2022 đối với thuế suất giá trị gia tăng và áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giảm giá cho khách hàng tiêu dùng.

Theo ông Anh, đây là mức giảm tương đối phù hợp với mức giảm quy mô ngân sách, thuận lợi cho công tác quản lý thuế và mức giảm đủ lớn để có tác dụng kích cầu. Chính sách này có thể gia hạn tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.

Thứ năm, ông Anh đại diện kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện một số dự án đầu tư công được thực hiện hoặc hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân do ảnh hưởng bởi Covid-19 như các dự án năng lượng…. Cụ thể, một số dự án điện gió đã ký cam kết vận hành trước tháng 1/11/2021 có thể bị trễ tiến độ do gián đoạn bởi giãn cách.

Thứ sáu, các doanh nhân trẻ đề xuất cho các hiệp hội tham gia cùng với các chuyên gia kinh tế trong các tổ tư vấn về các kế hoạch phục hồi kinh tế vì các hiệp hội và các doanh nghiệp có nhiều thông tin thực tiễn, bám sát tình hình của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ bảy, ông Anh cho biết, một số bài thuốc nam, thuốc bắc của đông y rất hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-10 đã được các doanh nghiệp áp dụng chữa trị rất hiệu quả. Tổ chức này kiến nghị Bộ Y tế thống kê và có thể đưa vào danh sách thuốc điều trị Covid-19, tận dụng được nguồn dược liệu của Việt Nam.

Bên cạnh những chính sách của Nhà nước, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng chính các doanh nghiệp cũng đã rút cho mình những bài học quý sau hai năm qua. 

Đó là bài học về bản lĩnh của người lãnh đạo doanh nghiệp trong việc vượt khó, tìm cơ trong nguy, đưa doanh nghiệp vượt qua cửa tử và sẵn sàng cho sự trở lại mạnh mẽ.

Đó là bài học về sự hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng và giữa các cộng đồng. 

Đó là nỗ lực duy trì công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động song song với việc tái cấu trúc lực lượng lao động, vừa góp phần đảm bảo an sinh, vừa duy trì được nguồn lao động cho sự trở lại sau dịch. Bên cạnh câu chuyện vật chất thì nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ tâm lý của người lao động.

Đó là bài học về việc quản trị rủi ro, bài học về việc bám sát và không bị tụt hậu trước những xu hướng lớn của thế giới như chuyển đổi số; đầu tư vào năng lượng mới; dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư thương mại và dòng chuyên gia…