Công ty khai thác đá lãi lớn nhờ thị trường bất động sản

Anh Minh - 13:30, 08/09/2017

TheLEADERTăng trưởng của thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản tạo ra nhu cầu về đá xây dựng, giúp các công ty khai thác đá lãi lớn.

Hôm 7/9, Công ty Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) đã tổ chức gặp các nhà đầu tư để cập nhật về kết quả kinh doanh và hoạt động của công ty sau nửa đầu năm 2017.

Thông tin được quan tâm nhất là việc xin gia hạn khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, mỏ đang đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của công ty. Theo kế hoạch sẽ hết hạn khai thác vào cuối năm nay.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT của KSB cho biết, ban lãnh đạo công ty đã nỗ lực làm việc với các cơ quan ban ngành, đàm phán với dân và kết quả có tới 94% hộ dân đã đồng ý phương án công ty khai thác tiếp.

Theo ông Đạt, các sở ngành của tỉnh Bình Dương, tất cả đều đồng thuận và nhất trí trong việc cấp phép mới cho mỏ đá Tân Đông Hiệp. Tuy nhiên, việc này cần các cuộc họp của Hội đồng nhân dân để ra quyết định cuối cùng.

“Khả năng được cấp mới mỏ đá Tân Đông Hiệp là rất khả quan. Thông tin cụ thể sẽ được cung cấp sớm nhất cho nhà đầu tư”, ông Đạt chia sẻ.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp đóng góp khoảng 50% doanh thu cho KSB trong năm 2017. Cụ thể, công ty đặt kế hoạch doanh thu cả năm là 1.025 tỷ đồng, riêng mỏ trên dự kiến mang về 473 tỷ đồng. Hai mỏ khác là Phước Vĩnh và Tân Mỹ đóng góp lần lượt 157 tỷ đồng và 127 tỷ đồng.

Nếu được cấp phép, công ty sẽ có thêm gần 5 triệu m3 đá từ mỏ Tân Đông Hiệp trong hai năm tới. Bên cạnh đó, hai mỏ Phước Vĩnh và Tân Mỹ có tổng trữ lượng khoảng 30 triệu m3 đá và có thời hạn khai thác đến năm 2024 và 2029. Ngoài ra, KSB còn đang xin cấp phép một mỏ đá khác có trữ lượng 7,6 triệu m3.

Trước đó, công ty cho biết đang tìm kiếm sang nhượng một mỏ đá có sông suất 1,5 – 2 triệu m3/năm ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.

Mỏ khai thác đá Tân Đông Hiệp của KSB.

KSB đang là doanh nghiệp khai thác và chế biến đá lớn tại khu vực phía Nam với công suất khai thác khoảng trên 3 triệu m3/ năm. Tiền thân là một công ty nhà nước được cổ phần hóa, công ty hiện đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng đứng đầu thị trường phía Nam.

Nhu cầu đá xây dựng đang tăng cao nhờ sự tăng trưởng của thị trường xây dựng và bất động sản. Các dự án hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở cao tạo ra dư địa tăng trưởng cho các công ty trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và đá xây dựng nói riêng.

Theo số liệu cung cấp từ Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, trong năm 2016 ước tính nhu cầu của thị trường Đông Nam Bộ đạt 35 triệu m3 và dự báo có thể sẽ cần khoảng 45 triệu m3 vào năm 2020.

Nhu cầu đá xây dựng, triệu m3. Nguồn: Bộ Xây dựng

Ba công ty khác đang cung cấp đá cho thị trường này là Đá Núi Nhỏ (NNC), Xây dựng 3-2 (C32) và Đá Hóa An (DHA). Trong đó, KSB đứng đầu về năng lực khai thác đá xây dựng với sản lượng ước tính 3,7 triệu m3 trong năm 2016.

Các công ty này đều đạt lợi nhuận ấn tượng trong nửa đầu năm nay. KSB cho biết, công ty đạt 518 tỷ đồng doanh thu tăng 28% và lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng tăng 60%. Trong khi đó, công ty Đá Núi Nhỏ lãi sau thuế 95 tỷ đồng, công ty CIC 32 lãi hơn 40 tỷ đồng và Đá Hóa An lãi 32 tỷ đồng trong 6 tháng qua.

Lãnh đạo của KSB tiết lộ, công ty có thể lãi thêm 90 tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm nâng tổng lợi nhuận cả năm lên 270 tỷ đồng. Ngoài ra công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng Khu dân cư Bình Đức Tiến.