Công ty tài chính tiêu dùng gặp khó vì đại dịch

Trần Anh - 09:42, 12/11/2020

TheLEADERDịch Covid-19 đã tác động nặng nề hơn tới những người lao động có thu nhập thấp, vốn là nguồn khách hàng lớn của các công ty tài chính tiêu dùng. Các công ty tài chính đã phải đưa ra nhiều chiến lược mới như giảm cho vay khách hàng mới, tái cấu trúc nợ cho khách hàng hay thậm chí đẩy mạnh cho vay tiền mặt.

Trong quý 3/2020, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit ghi nhận mức lợi nhuận giảm 40% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 800 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, FE Credit chỉ tăng trưởng tín dụng khoảng 6,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng tăng mạnh lên mức 6,9%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề hơn tới những người lao động có thu nhập thấp, vốn là nguồn khách hàng lớn của các công ty tài chính tiêu dùng. Ban lãnh đạo FE Credit cho biết, công ty đã triển khai chương trình hỗ trợ từ tháng 3/2020 cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chương trình cung cấp các sự lựa chọn cho khách hàng như tái cơ cấu khoản vay, hoãn thanh toán cũng như miễn các khoản phí chậm trả. Ðến nay, FE Credit đã hỗ trợ thành công cho gần 200.000 khách hàng, tương đương 5% số khách hàng hiện hữu, với tổng khoản vay trị giá 4.000 tỉ đồng.

Bên cạnh việc phải tái cấu trúc các khoản vay cho khách hàng, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất thị trường cũng hạn chế việc mở rộng hoạt động như những năm trước. FE Credit chuyển sang tập trung cho các khách hàng hiện tại vay với lãi suất thấp hơn so với khách hàng mới. Chiến lược này an toàn hơn, song hệ quả là NIM của công ty đã giảm mạnh, từ mức 30,1% hồi đầu năm xuống còn 26,7% vào thời điểm quý 3.

FE Credit không phải là công ty tài chính tiêu dùng duy nhất gặp khó khăn trong năm nay. HDSaison, công ty tài chính tiêu dùng của HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng chững lại, chỉ tăng 1% so với quý trước đó. Tỷ lệ nợ xấu tăng khá mạnh lên mức 6,77% so với 6,25% trong quý 2. Tương tự FE Credit, NIM của HDSaison cũng giảm so với cùng kỳ.

Trong quý 3, HDSaison đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, và giảm lãi suất cho vay để kích cầu. Công ty cũng triển khai sản phẩm thẻ tín dụng trong tháng 8/2020 ở một số thành phố lớn trong nước, và có kế hoạch triển khai chiến dịch đại trà trong tương lai gần.

Theo đó, cơ sở khách hàng đã tăng lên 8 triệu khách, và dư nợ tiền mặt tăng trưởng mạnh 12,6% so với quý trước đó. Mặc dù vậy, cho vay mua xe máy và cho vay tiêu dùng đều sụt giảm khiến cơ cấu sản phẩm giữa cho vay mua xe máy/tiêu dùng/tiền mặt do đó có sự thay đổi từ 42%/26%/33% vào cuối năm 2019 lên 35%/26%/39% vào cuối quý 3/2020.

Việc thay đổi cơ cấu sang mở rộng dư nợ tiền mặt có thể khiến chi phí tín dụng của HDSaison tăng nhanh hơn trong các quý sắp tới, do tỷ lệ nợ xấu đối với cho vay tiền mặt thường cao hơn các khoản vay PoS.

Một công ty tài chính tiêu dùng lớn khác là MCredit của ngân hàng MB cũng chỉ ghi nhận tổng dư nợ trong quý 3/2020 tăng 1,4% so với quý trước đó. Đây là chiến lược được MCredit theo đuổi trong giai đoạn dịch bệnh bùng nổ. Thay vì mở rộng dư nợ, MCredit quyết định tập trung vào việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hướng đến tăng tỷ trọng cho vay PoS.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, dư nợ tiền mặt trong tổng dư nợ đã giảm xuống dưới 70% so với mức khoảng 85% vào cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức cao 6,5%. Trong khi dư nợ tái cấu trúc theo Thông tư 01 là dưới 2% tổng dư nợ.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của MCredit khả quan hơn so với các đối thủ. Lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2020 tiếp tục phục hồi, đạt 90 tỷ đồng, tăng 13% so với quý trước, một phần nhờ công ty đã tiết giảm được đáng kể chi phí vận hành.