C.P Việt Nam muốn niêm yết trên HOSE

Trần Anh - 16:32, 25/04/2022

TheLEADERC.P Việt Nam có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các công ty FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Mặc dù vậy, kế hoạch này có thể gặp nhiều khó khăn khi từ 2005 đến nay, thị trường chứng khoán không đón thêm một doanh nghiệp FDI nào.

Trong thông báo lên Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CPF), công ty mẹ của C.P Pokphand (CPP) cho biết trong cuộc họp Hội đồng quản trị được tổ chức vào ngày 22/4, Hội đồng Quản trị đã chấp thuận cho Công ty C.P Việt Nam (CPV) được đăng ký thủ tục trở thành công ty đại chúng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông thiểu số.

Trước đó hồi đầu tháng 10/2021, C.P Pokphand (CPP), công ty phụ trách hoạt động kinh doanh của CPV có kế hoạch tư nhân hoá và huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX).

Khi được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan với việc hoàn tất phát hành cổ phiếu, CPV sẽ nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

C.P Việt Nam là một trong các công ty FDI lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2021, doanh thu của C.P. Việt Nam đạt hơn 111 tỷ Bath (tương đương khoảng 3,6 tỷ USD), tăng 3% so với năm 2020. C.P. Việt Nam nằm trong số những doanh nghiệp FDI lãi tốt nhất Việt Nam với xấp xỉ 1 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng gấp đôi so với năm trước đó.

Là một trong những “gã khổng lồ” ngoại đầu tiên, tấn công vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. C.P Việt Nam hiện thống trị mảng chăn nuôi Việt Nam, cụ thể với thịt heo và thịt gà.

Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty này đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo và thức ăn gia cầm).

Cuối năm ngoái, công ty C.P Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn PAN, qua đó đầu tư 25% cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) – một doanh nghiệp tôm lớn của Việt Nam. Tôm là một trong những ngành tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, đạt hai chữ số hàng năm. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. 

Với quy mô của mình, C.P Việt Nam có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các công ty FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Hiện, trên thị trường chứng khoán mới chỉ có số ít doanh nghiệp FDI niêm yết như CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã: TYA), Everpia (mã: EVE), Mirae (KMR), Siam Brothers (mã: SBV), Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), Tập đoàn Nagakawa (NAG), Tung Kuang (TKU)…

Tuy nhiên, đây là các doanh nghiệp đã niêm yết từ 15-16 năm trước theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán đã không đón thêm một doanh nghiệp FDI nào.

Năm 2017, Seoul Metal Việt Nam và Ngũ Kim Fortress Việt Nam là 2 doanh nghiệp FDI đã lên kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa bởi phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Thực tế, nút thắt lớn nhất cản trở nhóm doanh nghiệp này lên sàn lại là tư duy thận trọng của các nhà điều hành lo sợ tình trạng rút vốn của các "ông chủ" doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán, cùng với đó là hiện tượng chuyển giá do được hưởng khá nhiều ưu đãi về thuế.

Bản thân những doanh nghiệp FDI đã lên sàn trong giai đoạn trước không mang lại sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, giá trị cổ phiếu có phần èo uột, thậm chí có mã còn rơi vào tình trạng cảnh báo, kiểm soát.