Tiêu điểm
Cuộc chiến tư duy trong lòng môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị nguồn lực để ra đường cao tốc, tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, để không bỏ lỡ cơ hội bất cứ cơ hội kinh doanh nào. Nhưng những rào cản lớn ở bên trong, từ môi trường kinh doanh đang khiến chặng đường của doanh nghiệp đầy bất an.
Nỗi trăn trở của doanh nhân 30 năm tuổi… nghề
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng ở Nam Định bỗng dưng trở thành “người nổi tiếng”.
“Tôi không biết sau đợt này, đời tôi sẽ nở hoa hay bế tắc”, ông Thịnh tâm tư, nhưng vẫn quyết định lên tiếng không đồng tình với đề xuất tiếp tục giới hạn giờ làm thêm của Dự thảo Bộ luật Lao động.
Ông kể, những ngày vừa qua, ông phải nghe, phải chứng kiến quá nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa của các vị chuyên gia, học giả trên ti vi chỉ để tranh cãi mỗi một việc là thêm hay bớt đi mấy giờ làm việc trong mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm.
“Xin thưa, những cuộc tranh luận ấy làm chúng tôi mệt mỏi và chán vô cùng. Ở doanh nghiệp, chỉ cần mấy cuộc cãi vã mà không hồi kết như vậy thì chỉ còn nước là đóng cửa đi ăn mày", ông Thịnh không dấu sự bức xúc.
Cuộc tranh luận mà ông Thịnh nhắc tới đã nóng suốt vài năm nay trong các kỳ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), trở thành “tiêu điểm” khi Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2019. Thậm chí, vào tháng 8 vừa rồi ,7 hiệp hội doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài, đã phải ký chung một thư khần cầu gửi Chính phủ, Ủy ban thường vụ quốc hội để giải trình 7 nội dung. Nhưng, các vấn đề mà giới kinh doanh liên tục đề xuất xem xét sửa đổi dường như luôn ở tình thế “phải bàn”.
“Nói về thời gian làm thêm giờ mà các chuyên gia, nhà quản lý đang nhấc lên, đặt xuống xem 300, 400 hay 500 giờ/năm? Xin thưa, bất đắc dĩ doanh nghiệp mới phải làm thêm giờ. Khi làm thêm giờ, tiền công sản phẩm ngoài giờ trả cho người lao động không những cao hơn gấp bội đơn giá bình thường, lại không được tính vào chi phí giá thành, phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu không vì yêu cầu của nhà nhập khẩu, lúc thì thay đổi mẫu mã, tăng giảm đơn hàng bất ngờ,... thì chúng tôi không làm”, ông Thịnh chia sẻ.
Vấn đề là, với mức quy định 200-300 giờ làm thêm hiện tại, đa phần doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành da giày, dệt may, thủy sản... không tuân thủ nổi. Ngay trong các báo cáo đánh giá về việc thực hiện quy định này của Ban soạn thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, tình trạng vi phạm thường xuyên được nhắc tới. Thậm chí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của Quốc hội còn đặt vấn đề tại Hội nghị toàn quốc của người sử dụng lao động năm 2019, phải chăng thanh tra, kiểm tra của ngành chưa là hết trách nhiệm, nên doanh nghiệp mới vi phạm nhiều vậy.
“Tại sao doanh nghiệp biết mà vẫn vi phạm nhiều như vậy? Có phải là cố tình vi phạm hay là quy định không thể tuân thủ được? Tại sao các nhà làm luật không đứng ở góc độ doanh nghiệp mà đặt vấn đề như vậy. Chúng tôi sẵn sàng đón các chuyên gia, các đại biểu quốc hội đến doanh nghiệp để mục sở thị doanh nghiệp đang làm ăn như thế nào, đang bất an thế nào với các quy định không thể thực hiện được này”, ông Thịnh đặt hàng loạt câu hỏi sau khi giới thiệu rất chi tiết về mình.
Không chỉ là một cựu quân nhân, từng nhiều năm làm công tác chính trị chuyên nghiệp, ông có gần nửa thế kỷ tuổi Đảng, mà còn có 31 năm làm kinh doanh tại May Sông Hồng từ ngày sơ khai. Hiện tại, “cùng thuyền” với ông là 1 vạn lao động, chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn Nam Định....
Sở dĩ ông muốn giới thiệu chi tiết như vậy để mọi người hiểu rằng, những điều ông nói là từ trách nhiệm, đạo đức của người kinh doanh chứ không phải là tiếng nói vụ lợi, lạc lõng với mục đích chỉ đấu tranh dành giật quyền lợi cho riêng doanh nghiệp, cho địa phương hay chỉ cho ngành sản xuất hẹp của mình...
Không chỉ ông Thịnh đang đau đáu với những quy định này.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã mấy năm nay đi mòn các cuộc hội thảo, các cuộc lấy ý kiến liên quan đến dự luật này để phản ánh đề nghị sửa đổi quy định về giờ làm thêm này. Vì cứ mỗi khi vào vụ mùa của ngành thủy sản, thường vào tháng 5 và 10 hàng năm, thì dù không muốn, các nhà máy vẫn phải làm thêm giờ để tiếp nhận cá tôm từ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản.
“Các thành viên của VASEP luôn phải đối mặt với những hình phạt từ các tổ chức đánh giá độc lập do các nhà nhập khẩu cử đến làm việc tại các nhà máy. Chỉ cần doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam, không cần biết quy định đó có phù hợp hay không, doanh nghiệp có thể bị nhà khập khẩu cắt bỏ đơn hàng”, ông Nam phân tích.
Hiện tại, theo cách làm việc của các nhà nhập khẩu thủy sản, việc đánh giá trên được thực hiện hàng năm, duy trì kết quả trong 1 năm. Ngay trong năm đó, các tổ chức đánh giá độc lập có thể có kiểm tra đột suất.
“Trong bối cảnh bị kiểm soát ngặt nghèo như vậy mà tỷ lệ lớn doanh nghiệp vi phạm, nghĩa là họ buộc phải chọn vi phạm, thì sao nhà làm luật không nhìn nhận lại sự phù hợp của quy định này. Sao các đơn vị thanh tra, kiểm tra của ngành không tư vấn cho các cơ quan của họ thực tế này. Nhiều doanh nghiệp nói, họ chỉ muốn tuân thủ pháp luật mà sao khó thế”, ông Nam nói.
Sự khó khăn của mong muốn liêm chính
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vốn không phải là người khó khăn trong việc tìm cấu tứ để nói về doanh nhân Việt Nam. Nhưng lần này, khi đặt vấn đề về những rào cản về môi trường kinh doanh đang làm khó cho doanh nghiệp thế nào, ông Lộc trở nên trầm tư.
“Có lẽ để đánh giá sự thành công của người kinh doanh tại Việt Nam, ngoài các con số về lợi nhuận, về đóng góp ngân sách, phải có tiêu chí về sự dũng cảm. Thậm chí, chúng ta phải vinh danh cho anh hùng cho những doanh nhân vượt qua được những hàng rào dưới thảm, đóng góp lớn cho xã hội”, ông Lộc nói.
Đây không phải là lần đầu đề nghị phong anh hùng cho doanh nghiệp doanh nhân được ông Lộc đề cập tới. Nhưng những khó khăn dường như đang trở nên quá sức doanh nghiệp, khiến ông lo ngại.
“Có doanh nhân đã nói với tôi một câu đáng phải suy nghĩ rằng, họ mong thấy được công chức nhà nước không chỉ là làm hết trách nhiệm, mà làm vì tình yêu với đất nước, với sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp. Những thay đổi của cơ chế, chính sách, sự chưa phù hợp của các quy định là dễ hiểu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong bước hoàn thiện theo quy chuẩn của kinh tế thị trường. Chỉ cần tư duy vì sự phát triển của đất nước, sự phát triển của doanh nghiệp thì những khó khăn trên sẽ được giảm thiểu đi nhiều”, ông Lộc nói.
Thực tế, những khó khăn trên đang bị đội lên, thậm chí làm khó hơn bởi những công chức thực thi. “Nhưng không nhiều doanh nghiệp dám ra mặt nói thẳng về điều này. VCCI hàng năm đều có khảo sát về chi phí không chính thức với cam kết giữ bí mật danh tính doanh nghiệp tham gia”, ông Lộc nói.
Một bức tranh dù tích cực hơn những năm trước song vẫn còn quá nặng nề về chi phí không thức. 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai; 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra...
Đây là kết quả từ Dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của VCCI. Trong kết quả nhận được, có 48,4% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả ‘hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu”: 28,8% doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án...
Khi bàn về những con số này, có doanh nghiệp thừa nhận, họ cũng có lỗi khi là một bên tạo nên và kéo dài thực trạng về chi phí không chính thức tại Việt Nam.
“Tôi muốn kể một câu chuyện để nói rằng, chúng tôi không thể liêm chính một mình. Khi đi làm thủ tục về đất đai, mọi việc trở nên rất khó khăn vì các thủ tục không chỉ phức tạp mà không hiểu sẽ xử lý thế nào. Trong khi có những trường hợp tương tự như chúng tôi đã được giải quyết, nhưng các công chức xử lý hồ sơ không muốn áp dụng, mà yêu cầu chúng tôi đợi để họ đi xin ý kiến cấp trên... Thời gian xin ý kiến thường là không xác định”, một doanh nghiệp xin dấu tên chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải chọn giải pháp chi trả các khoản không chính thức để đảm bảo tiến độ dự án.
Nếu nhìn vào hệ thống các quy định của Việt Nam, một luật cần tới hàng chục nghị định và hàng trăm thông tư hướng dẫn, chưa kể những văn bản điều hành đậm tính hành chính hàng ngày, có lẽ không nhiều doanh nghiệp đủ kiên nhẫn để đi hết con đường thủ tục hành chính này.
Rào cản bên trong khiến cơ hội từ hội nhập trở nên mong manh
Minh Phú là một tập đoàn thủy sản có khoảng 15 ngàn lao động, hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín, đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng chục năm nay. Năm 2018, Minh Phú xuất khẩu sang 50 nước và vùng lãnh thổ, thu về 751 triệu USD.
Hiện tại, doanh nghiệp này đang xây dựng chuỗi giá trị tôm toàn cầu và đặt mục đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào các năm tới.
“Chúng tôi không ngại các tiêu chuẩn, tiêu chí của các thị trường nhập khẩu, nhưng lại bất an với những rào cản trong nước”, ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nói trong Hội nghị toàn quốc của người sử dụng lao động năm 2019.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặc biệt lo ngại đến vấn đề này.
“Nhiều người nói đến cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mới nhất là EVFTA rộng như đại lộ, nhưng tôi lo doanh nghiệp không đi nổi ra đường tỉnh bởi các rào cản từ chính các quy định của mình, thì làm sao ra được đại lộ”, ông Cung nói.
Một điều chắc chắn mà cả giới hoạch định chính sách, các chuyên gia và doanh nghiệp cùn khẳng định, là các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn.
Với ông Cung, ông tin rằng, các hàng rào kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, dù có khó khăn, cũng sẽ không làm khó doanh nghiệp Việt.
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu, nhất là sự tăng trưởng tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... của các doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy nhận định của ông Cung có cơ sở. Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc tuân thủ cc quy định của các thị trường xuất khẩu khó, đòi hỏi chi phí, thời gian và công sức, nhưng làm được vì các quy định được công bố công khai, chi tiết. Thậm chí, ở nhiều thị trường, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội doanh nghiệp dành không ít kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tuân thủ.
Nhưng, các rào cản trong nước lại không được như vậy. Phải nhắc lại việc tận dụng cơ hội từ quyết định gia nhập WTO của Việt Nam hơn 10 năm qua. Những chậm trễ trong nội luật hóa các cam kết, hay tháo gỡ các rào cản thị trường đã làm doanh nghiệp Việt không những không tận dụng tốt các cam kết mở cửa thị trường mà còn bị lép vế hơn các doanh nghiệp FDI.
Điều đặc biệt đáng lo, theo ông Cung, nằm ở hàng rào bên trong, vì nhiều quy định của Việt Nam còn "thách thức sự kiến nhẫn" hơn hàng rào của các đối tác, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... Có những quy định doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao.
Những vấn đề này, khi kết hợp với hệ thống thanh tra, kiểm tra thiếu minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là thiếu sự công tâm của công chức thực thi, có thể dẫn đến tình trạng kiểm tra thế nào cũng sai, điều này dẫn đến việc bất ổn, những rủi ro trong kinh doanh.
“Nhưng, đây lại là vấn đề mà tôi đã nói cách đây hơn 20 năm rồi, chỉ khác là bây giờ nó gắn thêm cụm từ “hội nhập”. Việc cần làm bây giờ không chỉ là cắt giảm điều kiện kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực mà cần có sự xem xét, rà soát, giải quyết tận gốc tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn nhau trong hệ thống pháp luật. Sẽ không thể sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mà cần sửa một lúc toàn bộ các luật chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, nhà ở, bất động sản…”, ông Cung đề xuất.
Rõ ràng, chìa khóa để gỡ các rào cản bên trong chắn đường ra cao tốc của doanh nghiệp Việt là cải cách tận gốc hệ thống pháp luật, từ đó đảm tính thống nhất, hợp lý, tính khả thi của hệ thống pháp luật Việt Nam.
“Nhưng người cầm chìa khóa phải có tư duy vì sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp vì bối cảnh phát triển đang thay đổi rất mạnh mẽ trong dòng chảy của công nghệ, của kinh tế số...”, ông Cung nói.
Biệt dược cho những 'căn bệnh trầm kha' của kinh tế Việt Nam
Ngân hàng Thế giới tăng điểm cho Việt Nam về cải cách môi trường kinh doanh
Theo Ngân hàng thế giới, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự tiến bộ khi mức điểm đánh giá cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, xếp hạng lại giảm nhẹ.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn
Mục tiêu cần đặt ra là Việt Nam phải lọt vào nhóm 50 nước đứng đầu trên thế giới về khởi sự kinh doanh trong hai năm tới.
'Không nên bằng lòng và vội thỏa mãn với thành tích về môi trường kinh doanh'
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dù Việt Nam có nhiều chỉ số tăng điểm trong thời gian qua nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thụt lùi so với nhiều nền kinh tế.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.