'Tăng giờ làm thêm không giúp tăng năng suất lao động'

Hạ Vũ - 21:02, 23/10/2019

TheLEADERVề đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ/ năm lên 400 giờ/năm, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. HCM, trong ngắn hạn thì người chủ sử dụng lao động có thêm lợi ích, người lao động có thêm tiền nhưng về lâu dài, năng suất lao động không tăng.

'Tăng giờ làm thêm không giúp tăng năng suất lao động'
Thế giới hiện chỉ còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được đưa ra trước Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được xem xét thông qua vào ngày 20/11.

Trong đó, Chính phủ đã đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, cụ thể từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Song điều khoản này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong các cuộc họp của Quốc hội vừa qua.

Như trong cuộc họp chiều nay của Quốc hội bàn về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã phân tích về việc nên hay không duy trì chế độ làm việc 48 giờ/tuần cũng như việc nới thêm khung giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm.

Theo ông Nhân, vào thời đại của Mác - Ăng ghen cuối thế kỷ 19, người lao động phải làm việc 10 - 16 giờ mỗi ngày, tổng là 100 giờ/tuần, dẫn đến cuộc đấu tranh giảm giờ làm. Các công nhân ở Chicago (Mỹ) sau đó đã đấu tranh thành công để đạt được chế độ ngày làm 8 giờ, tiếp đó là làm 8 giờ mà không giảm lương, tạo nên truyền thống về ngày Quốc tế Lao động hiện nay.

Thêm nữa, cách đây 130 năm, Harison Ford - ông chủ hãng xe hơi nổi tiếng tại Mỹ đã từng làm thí nghiệm để rút ra kết luận, ngày làm 8 giờ và chỉ làm 5 ngày/tuần (tức 40 giờ/tuần) thì năng suất lao động tăng cao hơn. Từ đó nhiều nước làm theo.

Ông Nhân nêu thực tế, thế giới hiện chỉ còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần, như Mexico vẫn làm 48 giờ, Hàn quốc 43 giờ.

Từ năm 2000 đến nay, nhiều nước phát triển giảm số giờ làm mỗi tuần xuống chỉ còn 36 - 38 giờ. Như Đức hiện chỉ còn 26 giờ/tuần nhưng lại có năng suất lao động cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn đứng thứ 4 thế giới, phúc lợi xã hội, phúc lợi lao động rất tốt.

Theo ông Nhân, tại Việt Nam, khối cán bộ, công chức đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, theo xu hướng thế giới từ năm 1999, "chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ".

Việc tồn tại 2 nhóm lao động, người làm cho nhà nước (40 giờ mỗi tuần) và doanh nghiệp (48 giờ mỗi tuần) có chế độ làm việc khác nhau, ông Nhân đánh giá, "Không có nước nào mà luật lao động lại quy định công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ. Hầu hết các nước chỉ quy định chung về số giờ làm cho tất cả các khu vực".

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình giảm giờ làm bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần trong 10 năm; trước mắt sẽ giảm còn 44 giờ, đến sau 2030 thì giảm còn 40 giờ.

"Nếu thực hiện được điều này, chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm", theo ông Nhân.

Về đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ/ năm lên 400 giờ/ năm, theo ông Nhân, trong ngắn hạn thì người chủ sử dụng lao động có thêm lợi ích, người lao động có thêm tiền nhưng về lâu dài, năng suất lao động không tăng.

Mặt khác, xét tiêu chí về 'hạnh phúc' của người Việt, ngoài yếu tố đảm bảo về kinh tế, mỗi người đều mong muốn có công việc, có nhà, có gia đình, thì tới 95,4% mong muốn gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan, tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt.

Nếu làm việc mỗi ngày 9 - 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi, ông Nhân khuyến cáo.

Nếu duy trì mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, Bí thư Thành ủy TP. HCM tính toán, có nghĩa là trung bình người lao động phải làm thêm 6 giờ/ tuần, tức mỗi ngày phải làm thêm 1 tiếng, duy trì liên tục 9 giờ làm việc mỗi ngày cả 12 tháng. Như vậy, liệu có đảm bảo được sức khỏe cho người lao động.

"Muốn tăng năng suất lao động thì phải giải quyết vấn đề gốc rễ là đổi mới công nghệ", ông Nhân nhận định.

'Tăng giờ làm thêm không giúp tăng năng suất lao động, mà phải đổi mới công nghệ'
Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình.

Trong khi đó, giải trình ý kiến và tranh luận của các đại biểu xung quanh vấn đề giờ làm thêm, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói, do có tác động tới doanh nghiệp, người lao động và tăng trưởng kinh tế, ngân sách nên đây là vấn đề hệ trọng và cần tính toán cụ thể. 

Việt Nam hiện có 90% doanh nghiệp làm việc 48 giờ/tuần; 3,6% doanh nghiệp làm 44 giờ; 7% doanh nghiệp làm 40 giờ. Đông Nam Á có 8 nước quy định 48 giờ/ tuần làm việc bình thường như Việt Nam; chỉ hai nước thấp hơn là Singapore và Indonesia.

"Singapore có thu nhập bình quân năm 2018 ở mức 65 nghìn USD, gấp 12 lần Việt Nam. Nước càng giàu thì thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thì thời gian lao động càng phải tăng lên", Bộ trưởng phân tích.

Riêng đối với Indonesia, có dân số 270 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp 6%, họ giảm giờ làm việc để chia sẻ công việc làm với nhiều người hơn, tránh tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ở góc độ kinh tế, nếu giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần thì một năm sẽ giảm 208 giờ. Bộ Trưởng phân tích, trong khi đó, Chính phủ đang xin tăng giờ làm thêm; tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ đô/năm và quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.

Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu để giảm giờ làm việc vào thời điểm thích hợp.