Cuộc chơi năng lượng mới của doanh nghiệp sản xuất

Minh Nhật - 15:26, 30/05/2022

TheLEADERTuy quy mô nhỏ hơn nhiều so với phân khúc điện mặt trời trang trại, điện mặt trời áp mái đang trở thành lựa chọn đầy hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngành sản xuất khi nhu cầu điện sạch ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Thời gian qua, một số nhà đầu tư lớn đã lựa chọn gia nhập thị trường điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại.

Đơn cử, Tập đoàn điện lực Pháp EDF và đối tác trong nước là quỹ đầu tư VinaCapital đã cam kết dành 100 triệu USD trong vòng ba năm tới để phát triển 200MWp công suất điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.

Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc gần đây cũng đã cam kết khoản đầu tư 200 triệu USD và mục tiêu lắp đặt 250MWp trong vài năm tới, thông qua liên doanh với đối tác trong nước là Nami Energy.

Trong thông cáo phát đi cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn vận hành điện lưới và cung cấp giải pháp năng lượng SP và Công ty CJ OliveNetworks Vina (CJ ONS) công bố đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, xây dựng và phát triển dự án năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất 50MWp tại Việt Nam trong hai năm tới.

Bên cạnh đó, một xu hướng đáng chú ý khác là các khu công nghiệp cũng dần trở thành các nhà phát triển dự án điện, chủ động tìm hiểu và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố ESG.

Các khu công nghiệp sinh thái đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, và đây rất có thể sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển lưới điện siêu nhỏ (microgrid) trong tương lai gần, Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) nhận định trong báo cáo gần đây.

Đơn cử, khu công nghiệp Hải Phòng I của Deep C đặt mục tiêu lắp đặt hơn 20MWp điện mặt trời áp mái trong giai đoạn 2022 – 2023, với sản lượng điện được phân phối tới các nhà xưởng và thiết bị máy móc của khách hàng thông qua lưới điện nội bộ.

Trong tương lai, khu công nghiệp này cũng dự định xây các cột điện gió, trang trại điện mặt trời, và hệ thống lưu trữ điện ngay trong khuôn viên.

Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Theo IEEFA, sự tăng trưởng nhanh chóng thời gian gần đây của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại là minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất.

Mặc dù chính sách khuyến khích điện mặt trời quy mô trang trại đang bị đóng băng, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ tiêu dùng tại chỗ của doanh nghiệp.

Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giảm áp lực đối với lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN, đặc biệt là ở những khu vực đang khan hiếm nguồn cung hiện nay như miền Bắc.

Tuy quy mô nhỏ hơn nhiều so với phân khúc điện mặt trời trang trại, điện mặt trời áp mái công nghiệp và thương mại đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành.

Các nhà phát triển dự án và các đối tác cho vay đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam, kéo theo triển vọng tích cực của phân khúc điện mặt trời áp mái công nghiệp và thương mại trong thời gian tới.

IEEFA nhận định, điểm mấu chốt ở đây là các dự án điện mặt trời áp mái công nghiệp và thương mại hiện đã tiến triển đến giai đoạn phát triển không còn lệ thuộc hoàn toàn vào các thảo luận và bất ổn xung quanh Quy hoạch điện VIII, hay cơ chế giá mua điện mới.

Các nhà phát triển dự án đã chuyển dịch nhanh chóng khỏi mô hình kinh doanh phụ thuộc giá FIT vào năm 2020 sang những mô hình mới.

Theo đó, nhu cầu phụ tải và thói quen tiêu thụ điện được tối ưu hoá với sản lượng phát của hệ thống điện áp mái, đảm bảo được tính khả thi kinh tế của dự án ngay cả khi chưa có pin lưu trữ hay trợ cấp của nhà nước. Trong khi đó, các nhà phát triển vẫn giúp tiết kiệm chi phí mua điện cho khách hàng lắp đặt hệ thống.

Theo dữ liệu từ EVN, tính đến hết ngày 31/12/2020, đã có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện, với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đạt hơn 1,15 tỷ kWh.