Cuộc đời thứ hai của những hạt cà phê

Việt Hưng - 16:24, 18/11/2021

TheLEADERBã cà phê đang tạo ra khí gây hại cho môi trường. Nếu có thể tận dụng được, mở ra cuộc đời thứ hai cho những hạt cà phê, đó chắc chắn là một phát kiến.

Những hạt cà phê từ vườn sau khi được thu hoạch và sơ chế sẽ có mặt trên các quầy kệ siêu thị, hoặc các quán cà phê trên khắp thế giới. Từ vườn ra quán được tính là một vòng đời của hạt cà phê.

Hiện tại, thế giới đang tiêu thụ khoảng 2 tỷ cốc cà phê mỗi ngày. Hạt cà phê chuyển thành bã, tạo ra khí metan - dẫn tới biến đổi khí hậu, gây hại tới môi trường.

Nếu có thể tận dụng và tái chế được bã cà phê, mở ra cuộc đời thứ hai cho những hạt cà phê, đó chắc chắn là một phát kiến.

Từ ý tưởng này, Lê Thanh - Nhà sáng lập và CEO Veritas đã sáng tạo ra khẩu trang từ bã cà phê với tên gọi là AirX. Trước đó, startup cũng được biết đến với thương hiệu giày ShoeX làm từ bã cà phê và gọi vốn thành công 4 tỷ đồng trên Shark Tank.

Ưu điểm của cà phê là có tính kháng khuẩn tự nhiên, rất an toàn và rất rẻ. Nguyên liệu thải ra từ các nhà máy sản xuất cà phê và các quán cà phê là rất lớn tại Việt Nam, doanh nghiệp chỉ đến mang về sản xuất, không phải trả tiền.

Từ giày sneaker làm từ bã cà phê, startup đã phát triển thêm sản phẩm, trong đó có khẩu trang khi nhu cầu đeo để che nắng, chống bụi rất lớn.

Cuộc đời thứ hai của những hạt cà phê
Cuộc đời thứ hai của những hạt cà phê

"Khẩu trang cà phê thành công là do ra đời đúng thời điểm đại dịch Covid-19. Các nước châu Âu ưa chuộng sản phẩm là vì yếu tố nguồn gốc và tốt cho môi trường. Nhưng đại dịch cũng sẽ đi qua, khẩu trang không còn bán chạy nữa thì chúng tôi cũng phải có chiến lược đường dài cho mình", CEO Veritas chia sẻ.

Nhà sáng lập này cho biết, ông đã bắt đầu nghiên cứu hạt nhựa sinh học cà phê khi tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho sản phẩm giày.

"Cách đây 3 năm, khi muốn chuyển hướng kinh doanh từ giày tây sang loại giày sneaker thuận tiện, năng động và thoải mái cho người trẻ, tôi đã tự hỏi: Nên dùng nguyên liệu truyền thống hay tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới?", CEO Lê Thành nêu quan điểm.

Sản phẩm mới nhất và vừa ra mắt của Veritas, chính là hạt nhựa sinh học cà phê hợp tác cùng trường Đại học Bách Khoa TP. HCM. Theo đó, đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công nhựa sinh học từ bã cà phê.

Được biết, Veritas đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cho hạt nhựa sinh học cà phê sinh học. Tuy nhiên, startup không bỏ ngỏ khả năng sẽ có những đơn vị khác cũng nghiên cứu, ứng dụng loại nguyên liệu này để cùng giúp giải bài toán về môi trường, cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của Việt Nam.

Cuộc đời thứ hai của những hạt cà phê 1
Veritas đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cho hạt nhựa sinh học cà phê sinh học

Đại diện startup này đánh giá, thị trường thế giới rất rộng lớn. Tỷ trọng nhựa phân huỷ sinh học ở Việt Nam vẫn chưa cao là cơ hội cho Veritas, cũng như các doanh nghiệp cùng ngành khác.

"Mục tiêu của chúng tôi là sản phẩm làm từ bã cà phê phải có giá thành bằng hoặc thấp hơn nhựa, như vậy mới có thể thay thế được sản phẩm nhựa trên thị trường hiện nay", CEO Lê Thành nói. 

Sản phẩm làm được hạt nhựa sinh học cà phê sinh học rất đa dạng, không chỉ giày, khẩu trang, đồ gia dụng mà còn có giấy, ván lót sàn… Chỉ cần làm chủ nguồn nguyên liệu thì startup có thể làm được vô số sản phẩm khác nhau.

Gần đây nhất, Veritas đã lên kế hoạch cho mục tiêu kinh doanh hàng loạt, với kì vọng tạo thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa cà phê như ly, bút viết, chén ăn… cho các thương hiệu doanh nghiệp cũng như đa số người dân đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, các hạt nhựa sinh học cà phê cũng sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Đức, Nhật. Như ở Pháp và một số nước châu Âu, các sản phẩm dùng một lần làm từ nhựa cần đạt tối thiểu 50% thành phần sinh học.