Đàm phán kết thúc RCEP gặp khó vì Ấn Độ quay lưng

Hoài Linh - 09:00, 02/11/2019

TheLEADERMột bước tiến đáng kể cho những cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm của RCEP đã có thể đạt được vào tuần tới nếu như Ấn Độ không lùi bước những phút cuối cùng.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo của 16 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ gặp nhau vào thứ Hai tới tại Bangkok, hy vọng đạt được một số tiến bộ hữu hình.

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng, sau quá trình đàm phán căng thẳng, các bên sẽ đạt được đồng thuận trong phần lớn văn bản tại hội nghị thượng đỉnh RCEP ngày 4/11 tới và khả năng này đang tăng đáng kể.

Những cuộc đàm phán tiếp theo để giải quyết các vấn đề còn lại đang cho thấy thỏa thuận này có thể được hoàn thành vào năm 2020. Được tiến hành từ năm 2013, RCEP khi hoàn tất sẽ hình thành một khối thương mại lớn, chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu.

Tuy nhiên, hiệp định quy mô lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp phải rào cản từ việc lưỡng lự không muốn mở cửa thị trường của Ấn Độ.

Theo CNBC, Ấn Độ lo ngại RCEP có thể gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với những sản phẩm, hàng hóa rẻ hơn đến từ những thị trường khác.

Những lo lắng này xuất hiện trong bối cảnh tăng trưởng của Ấn Độ đang chậm lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này quay cuồng trong tác động của những cải cách quan trọng và nền kinh tế phải vật lộn để tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động dồi dào.

Đàm phán kết thúc RCEP gặp khó vì Ấn Độ quay lưng
RCEP được kỳ vọng sẽ hoàn thành đàm phán trong năm nay.

Trên thực tế, Ấn Độ có thâm hụt thương mại lớn và kéo dài nhiều năm với Trung Quốc.

Rajiv Biswas, kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit cho rằng quốc gia này lo sợ việc loại bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ làm xói mòn thêm thị phần sản xuất trong nước giữa thời điểm chính phủ nước này đang cố gắng đẩy nhanh sự phát triển của ngành sản xuất nội địa.

Các nhà sản xuất Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong năm nay, ví dụ như các nhà sản xuất ô tô phải đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do doanh số xe bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, lo ngại về cạnh tranh cũng đến từ các thị trường khác như Úc hay New Zealand về các sản phẩm sữa.

Những lo ngại trên đã khiến RCEP vấp phải sự chỉ trích từ các đoàn thể hùng mạnh và các nhóm nông dân tại Ấn Độ. Truyền thông nước này từng đưa tin cho biết các nhóm nông nghiệp tuyên bố phản đối bất kỳ động thái nào của chính phủ liên quan đến tham gia RCEP.

Trong khi đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác thương mại vẫn lạc quan về triển vọng đạt được đột phá với RCEP, theo Bangkok Post.

Ông cũng cho biết những quốc gia thành viên hy vọng sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán trong hội nghị ASEAN và những hội nghị liên quan diễn ra ngày 2 – 4/11 tới. 

Cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đàm phán Hiệp định RCEP đang đi vào giai đoạn cuối cùng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước để có thể kết thúc đàm phán và đề nghị các nước hết sức nỗ lực tìm giải pháp sáng tạo, linh hoạt nhằm hướng đến sự thống nhất để xử lý những vấn đề còn tồn đọng.

Dù vậy, không loại trừ những khó khăn, phát sinh vào bất cứ thời điểm nào bởi đây là quá trình phức tạp đòi hỏi các bên phải tìm ra giải pháp, điểm cân bằng về lợi ích của các thành viên.

Cho đến nay, các nhà đàm phán từ 16 quốc gia đã kết thúc đàm phán được 7 trong số 20 chương, bao gồm hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm nhà nước, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

13 chương còn lại liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại điện tử tới cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, viễn thông và mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

RCEP là một hiệp định thương mại kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Đặc biệt, RCEP có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ khu vực này.

Khi RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối 'ASEAN + 6' cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.