Đằng sau hiện tượng nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng trần, giảm sàn

Trần Anh - 11:23, 22/03/2022

TheLEADERNhiều nhóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán có liên quan về nhân sự, tài chính thường xuyên diễn ra hiện tượng đồng loạt tăng trần, giảm sàn trong thời gian vừa qua. Nhiều dấu hỏi được đặt ra đằng sau hiện tượng này và nhà đầu tư đang chờ đợi động thái từ các cơ quan quản lý thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây liên tục xuất hiện những nhóm cổ phiếu có nhiều mối liên quan về nhân sự, tài chính. Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu này là thường xuyên có diễn biến tương đồng về giá, thậm chí có hiện tượng đồng loạt tăng trần, giảm sàn.

Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP), trong đó có ông Vũ Đình Độ, chủ tịch HĐQT. Ngoài cổ phiếu DNP, “họ DNP” còn các cổ phiếu khác như Tasco (HUT), Công ty Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay (NVT), Công ty Xây dựng số 9 (VC9), Công ty Dịch Vụ Tổng Hợp Sài Gòn – Savico (SVC) và Công ty Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC).

Mối liên kết giữa các công ty như DNP, Tasco, Savico hay JVC chủ yếu thông qua các cá nhân. Chẳng hạn, tân Chủ tịch HĐQT của Tasco Hồ Việt Hà là Phó chủ tịch DNP Water, ngoài ra còn là Chủ tịch của Ninh Vân Bay. Một lãnh đạo của nhiều công ty trong mảng nước của DNP là ông Nguyễn Danh Hiếu cũng tham gia vào HĐQT của Tasco, công ty mới đây công bố muốn mua kiểm soát Savico.

Năm ngoái, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhóm cổ phiếu thuộc “họ Louis”. Các mã chứng khoán này hầu hết đều tăng giá lên vài lần, thậm chí vài chục lần sau khi có các thông tin đổi chủ.

Theo đó, Công ty Xây dựng và đầu tư Trường Giang (TGG) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có thị giá vào thời điểm cuối năm 2020 chỉ loanh quanh vùng 1.200 – 1.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi về “họ Louis” và đổi tên thành Công ty Louis Capital, cổ phiếu TGG đã tăng phi mã lên tới 54.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII) sau khi bị thâu tóm và đổi tên thành Công ty Louis Land cũng tăng giá gấp 10 lần, từ 2.000 lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài TGG và BII, những công ty niêm yết khác có "bóng dáng" Louis Holdings xuất hiện, như AGM, APG, DDV hay SMT cũng ghi nhận những phiên tăng kịch trần liên tiếp. Mức tăng phổ biến trên 100%, vượt xa các mã khác trên thị trường.

Nổi tiếng nhất trên thị trường là nhóm cổ phiếu "họ FLC". Những cổ phiếu trong nhóm này như FLC, ROS, AMD, HAI, KLF thường xuyên di chuyển đồng pha nhau, đồng loạt tăng trần, giảm sàn, dù kết quả hoạt động kinh doanh khác nhau.

Sự xuất hiện của các nhóm cổ phiếu có liên quan trên thị trường chứng khoán thường hình thành theo 2 xu hướng. Phổ biến nhất là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và nhân sự, thực hiện thâu tóm lần lượt các cổ phiếu có vốn hóa thấp trên sàn. Sau đó, nhờ kiểm soát nguồn cung cổ phiếu, chủ sở hữu mới dễ dàng đẩy giá cổ phiếu lên cao, tạo ra những cơn sóng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.

Xu hướng thứ hai là các tập đoàn lần lượt IPO và niêm yết các công ty thành viên, mỗi doanh nghiệp thường phụ trách một mảng kinh doanh, thay vì chỉ niêm yết công ty mẹ như trước đây.

Làn sóng này ngày càng mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như Sunshine Group với KSF (Công ty cổ phần Tập đoàn KSFinace), SSH (Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes) và SCG (Công ty cổ phần xây dựng SCG).

Bamboo Capital chuẩn bị niêm yết công ty thành viên phụ trách mảng sản xuất đồ gỗ (Công ty Cổ phần Phát triển Nguyễn Hoàng), bên cạnh công ty mẹ và Tracodi đang giao dịch cổ phiếu trên sàn. Tập đoàn này còn các mảng tiềm năng để chào sàn như BCG Energy và BCG Land.

Tập đoàn Gelex cũng sở hữu một hệ sinh thái các cổ phiếu trên sàn chứng khoán gồm công ty mẹ (GEX) và loạt công ty con, công ty liên kết như Viglacera (VGC), Cadivi (CAD), Thibidi (THI)...Mới đây một công ty con nữa là Gelex Electrics cũng chào sàn với mã GEE.

Một điểm đáng chú ý là ban lãnh đạo của các nhóm công ty này thường là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư chứng khoán. Phía Bamboo Capital, Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Hồ Nam từng là người sáng lập đồng thời là Chủ tịch của Công ty Chứng khoán Sacombank - SBS.

Còn Chủ tịch HĐQT của DNP – ông Vũ Đình Độ có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại KPMG, trải qua các vị trí cấp cao về phân tích đầu tư, đầu tư, thị trường vốn, M&A và công cụ phái sinh tại SSI, VNDirect và Maritime Bank. 

Nhờ đội ngũ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp này đã liên tiếp thực hiện thành công các thương vụ M&A hoặc mua cổ phần chi phối doanh nghiệp niêm yết trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ đó gia tăng tổng tài sản của tập đoàn.

Tuy vậy một nhóm các doanh nghiệp liên quan xuất hiện trên sàn chứng khoán cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Báo cáo quản trị trong nửa đầu năm của TGG nêu ra hàng loạt vấn đề về giao dịch với người nội bộ. Trong đó, Ban kiểm soát cho biết, riêng quý II, tổng giá trị giao dịch liên quan đến việc thoái các khoản đầu tư của TGG qua hình thức chuyển nhượng cho đối tác bên ngoài, chủ yếu là người liên quan đến lãnh đạo công ty, đã vượt quá 35% tổng tài sản. Các giao dịch này có giá trị trọng yếu nhưng không được Đại hội đồng cổ đông thông qua, theo Ban kiểm soát TGG, là vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020.

Đồng thời, Ban kiểm soát công ty cũng lưu ý về việc phân nhỏ các giao dịch nhằm tránh sự kiểm soát. "Hành vi phân nhỏ các giao dịch nhằm tránh sự kiểm soát là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông", báo cáo nêu.

Trước những nghi ngờ của nhà đầu tư về hoạt động thao túng giá cổ phiếu của doanh nghiệp, thông qua các giao dịch với các bên liên quan lãnh đạo một doanh nghiệp đã lên tiếng phủ nhận. Năm ngoái, trong một văn bản gửi Ủy ban chứng khoán, TCG khẳng định công ty không thực hiện bất kỳ hành động nào tác động đến giá cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan. Bản thân TGG chưa bao giờ bị xử phạt về hành vi thao túng giá cổ phiếu.