Dấu hiệu kinh tế đang hồi phục

An Chi - 10:07, 05/12/2021

TheLEADERBức tranh kinh tế Việt Nam đang tươi sáng trở lại với nhiều chỉ số tích cực từ sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.

Dấu hiệu kinh tế đang hồi phục
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động công nghiệp quan trọng của cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 11/2021 của Bộ Công thương cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó. 

Điển hình như chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa 15,1%; Quảng Ngãi 16,11%; Thừa Thiên Huế 9,12%; Cần Thơ 6,77%; Đồng Nai 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng tăng 8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tính tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện ước tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%).

Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. 

Nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường.

Không chỉ hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 11 cũng có những hồi phục tích cực. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD.

Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước đó (kim ngạch nhập khẩu tháng 10 giảm 1,7% so với tháng trước). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2tỷ USD, tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6tỷ USD, tăng 14,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tăng 20,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 20,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,9%.

Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do khôi phục sản xuất nên các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ các dịp noel và đón năm mới.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14tỷ USD, tăng29,9%.

Tại trong nước, thị trường cũng nhộn nhịp hơn, tại một số địa phương, nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tính chung 11 tháng năm 2021, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng trước đó đã ở mức thấp (tăng trưởng âm), song đây cũng là tín hiệu hồi phục tích cực của tiêu dùng trong nước. 

Tăng tốc trong tháng cuối năm

Tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi, song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, các doanh nghiệp sản cuất ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. 

Tương ứng với đó là tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn (ví dụ như ở Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu công nghiệp đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp con số này là 83,5% và 65,5%). Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn.

Bên cạnh đó, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ vào số liệu 11 tháng, khả năng năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất quy định về thích ứng an toàn nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, bộ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN để tạo thuận lợi cho các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.