Đâu sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất?

Hoài An - 14:57, 13/05/2022

TheLEADERĐiều kiện cơ bản để thoát bẫy thu nhập trung bình là phải gia tăng năng suất, trong đó, kinh tế số là tác nhân quan trọng.

Dư địa phát triển mới từ kinh tế số

World Bank (Ngân hàng Thế giới) gần đây đã nhấn mạnh: “Tiếp tục con đường phát triển nâng cao phúc lợi và thúc đẩy tăng trưởng sẽ đòi hỏi phải nâng cao năng suất của từng người lao động, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia thu nhập cao”.

Trên thực tế, thành công của một số ít nền kinh tế từ đang phát triển chuyển sang vị thế thu nhập cao hơn cho thấy vốn nhân lực – là sự kết hợp giữa các yếu tố giáo dục, kỹ năng và sức khỏe, về cơ bản có tính chất quyết định đến năng suất lao động – đã và đang là động lực chính để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kinh tế số tạo ra dư địa mới bởi con người tạo ra đầu vào của nền kinh tế - dữ liệu số. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo về kinh tế số lại cho thấy xu hướng ngược lại.

“Điều kiện cơ bản để thoát bẫy thu nhập trung bình là phải gia tăng năng suất, trong đó, kinh tế số là tác nhân quan trọng”, ông Đạt phân tích tại Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022 – 2023 mới đây.

Đâu sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam?
GS.TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Để trở thành nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, Việt Nam phải nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, trong đó, kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng nhất.

Mô hình kinh tế số truyền thống của Việt Nam dựa trên các yếu tố đầu vào truyền thống là lao động, khoa học công nghệ, nhưng dữ liệu sẽ thay đổi toàn bộ, làm thay đổi nguyên lý kinh tế.

Một số báo cáo gần đây đã chỉ ra tiềm năng lớn của kinh tế số Việt Nam. Đơn cử, báo cáo từ Google, Temasek và Bain Economy dự báo tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á.

Ông Đạt cho biết theo tính toán của nhóm tác giả, trong giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm kinh tế số đóng góp từ 6,88 – 16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế.

Điều này càng minh chứng kinh tế số đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới, và là động lực mới cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.

Tạo đà nhảy từ kinh tế số

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, kinh tế số của Việt Nam hiện vấp phải nhiều rào cản để có thể bứt phá.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 cho thấy Việt Nam tụt hạng trong các chỉ số liên quan đến nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển (hạng 79), đầu ra về kiến thức và công nghệ (hạng 37).

Mặc dù đã nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách chính sách công nghiệp 4.0, nhưng về kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, Việt Nam đã tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 96 trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2020 (GTCI).

Đâu sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam? 1
Kinh tế số đóng góp rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới.

Tại diễn đàn, ông Đạt dẫn báo cáo cho biết mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia được đánh giá, cũng như thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù kịp thời về quyết sách và chiến lược, Việt Nam vẫn còn đang đi sau về kỹ năng số của nhóm dân số tham gia vào hoạt động kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số có thể làm mất đi nhiều việc làm, nhưng cũng có thể tạo ra việc làm mới với những kỹ năng khác, đòi hỏi người lao động, doanh nghiệp, lẫn nhà nước phải thay đổi.

Vị này đánh giá Việt Nam hiện cũng chưa có đủ doanh nghiệp theo đuổi những ý tưởng đột phá, bởi chu kỳ đổi mới sáng tạo bị rút ngắn trong nền kinh tế số, nên doanh nghiệp có thể bị lỗi thời rất nhanh.

Ngoài ra, Việt Nam còn gặp vấn đề trong khả năng truy cập thông tin và dữ liệu.

Để thúc đẩy kinh tế số mạnh mẽ hơn, ông Đạt đề xuất Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu công trực tuyến, phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của nhà nước.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần bộ chỉ số đo lường kinh tế số và công bố định kỳ.

Ông Đạt khuyến nghị trọng tâm chính sách kinh tế số cần tập trung vào bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của cả nước, ngành/tỉnh, đánh giá thực trạng theo các cấu phần kinh tế số.

Bên cạnh đó, đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng, không thể để 63 tỉnh thành lại dàn hàng ngang.

Hai vấn đề trong trọng tâm chính sách tiếp theo sẽ là xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và cần tính đến khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện.

“Việc đưa ra hai quyết định quan trọng, đặc biệt là Quyết định số 411/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ là động lực để thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và 2030”, ông Đạt kỳ vọng.

World Bank trong báo cáo về các chính sách phản ứng Covid-19 của Việt Nam đã nêu rõ cơ hội thúc đẩy phát triển chính sách số hóa tại Việt Nam là thông qua việc ưu tiên khuyến khích các chính sách thúc đẩy học tập trực tuyến, thanh toán điện tử và chính phủ điện tử.

PwC trong báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam khuyến nghị các giải pháp cho thách thức nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực cần được phát triển tổng thể ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực. Đây là vấn đề phức tạp cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các lãnh đạo ở cấp chính phủ, nhà giáo dục và các doanh nghiệp.

Theo đó, các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng người dân có kiến thức để tham gia và bản thân họ cũng có kiến thức để thúc đẩy thảo luận về tương lai của công nghệ và luật quy định.

Các thể chế, chẳng hạn như hệ thống giáo dục, cần phải tự chuyển đổi số và đồng thời cung cấp các dịch vụ phù hợp cho tương lai.

Các doanh nghiệp/ tổ chức cần chuẩn bị lực lượng lao động của mình cho thế giới số, bắt đầu từ xác định các khoảng cách thiếu hụt về năng lực, xây dựng chiến lược năng lực hướng đến tương lai, đến phát triển và triển khai chương trình nâng cao năng lực. 

Về tình hình kinh tế số trong quý I/2022, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết ước tính tổng doanh thu kinh tế số đạt khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP.

Trong đó, kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Nghị quyết 54 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt khoảng 20%; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.