Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng với Nhật Bản

Quỳnh Chi - 17:10, 09/08/2020

TheLEADERViệc hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản bám sát theo các mục tiêu trong tuyên bố chung của các bộ trưởng kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Đẩy mạnh hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng với Nhật Bản
Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn do liên doanh quốc tế về lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam - Nhật Bản thực hiện

Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 được thực hiện tốt một phần nhờ vào cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp xác định, hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của tuyên bố chung của các bộ trưởng kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động. Trong đó, thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và bền vững hơn thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở sản xuất hàng hóa và nguyên liệu ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư/doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Nhật Bản đã có các các hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp cho Việt Nam trong những năm qua. Đáng chú ý, dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm nay. 

Ông Tuấn Anh cho rằng, nên thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo “kỹ thuật gắn liền với kỹ năng thực hành và sáng tạo” (mô hình KOSEN) nhằm nâng cao năng lực và tạo thêm giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam như hóa chất, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.

Về thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0, Việt Nam và Nhật Bản đã áp dụng các công nghệ kỹ thuật số mới và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt bằng cách tận dụng sự hợp tác của khu vực công và tư nhân về chuyển đổi kỹ thuật số, chẳng hạn như chương trình hợp tác trực tuyến mới do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khởi xướng.

Trong thời gian tới, việc thúc đẩy hợp tác trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cũng như sản xuất thông minh, phát triển khung chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp.

Liên quan đến mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển hơn do những thách thức mà Covid-19 đặt ra, một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, để giữ cho thị trường mở, và để duy trì hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ các hiệp định của WTO là điều được hướng tới.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về xu hướng thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các hội nghị và hội thảo trực tuyến, cũng như thúc đẩy các hoạt động giao thương B2B trực tuyến bao gồm cả thông qua nền tảng kỹ thuật số giữa các doanh nghiệp của hai nước, nhằm thúc đẩy thương mại song phương là điều cần được chú trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ đầu tư vào lĩnh vực phát triển và hiện đại hóa hạ tầng logistics và phân phối tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và phân phối. 

Trong thời gian qua, khu vực tư nhân đã thực hiện các sáng kiến nhằm hợp lý hóa các thủ tục thương mại thông qua việc xây dựng một nền tảng thương mại kỹ thuật số, góp phần làm tăng thêm sự kết nối chặt chẽ của chuỗi cung ứng khu vực. 

Trong lĩnh vực năng lượng, hệ thống năng lượng cần có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế, và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19. Nổi bật là việc triển khai dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Một số hoạt động trong lĩnh vực này được thống nhất bao gồm đa dạng hóa các nguồn năng lượng như sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ than sạch, hiệu quả cao phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi quốc gia.

Ngoài ra còn có tăng cường hợp tác dầu khí trong lĩnh vực hợp tác thượng nguồn, như khai thác khí đốt và xây dựng chuỗi giá trị LNG bao gồm việc thông qua dự án nhiệt điện LNG và lĩnh vực hợp tác hạ nguồn.