Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng là cơ hội cho nhiều startup fintech

Việt Hưng - 10:52, 24/08/2018

TheLEADERTheo ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng sẽ là cơ hội sản sinh ra nhiều startup trong lĩnh vực thanh toán.

Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng là cơ hội cho nhiều startup fintech
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước

Sáng nay, tại Hà Nội, hội thảo "Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng" đã được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng thanh toán dịch vụ công ở Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, về hành lang pháp lý, chủ trương thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng được đề cập tại các đề án của Chính phủ. Gồm Đề án khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Qua triển khai, khảo sát, hiện có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước.

Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc.

Có 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.

Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng như: giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều; việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn vướng mắc; khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin còn hạn chế.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan khác như: sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng.

Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, đảm bảo công tác an ninh an toàn trong thanh toán.

Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công.

Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng: Cơ hội cho nhiều startup Fintech
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đồng quan điểm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là xu hướng tất yếu và phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Quá trình thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công mà còn ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội.

Với nền kinh tế, chúng ta sẽ hạn chế được một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán.

Với các Cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và minh bạch các giao dịch tài chính tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công;

Với hệ thống ngân hàng, việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là cơ hội để các đơn vị này đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính mình.

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ thanh toán ngân hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của người dân.