Đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như ban bố tình trạng khẩn cấp

Nhật Hạ - 20:47, 24/07/2021

TheLEADERChính phủ đề xuất Quốc hội trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như ban bố tình trạng khẩn cấp
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình. Ảnh: Trang thông tin của Quốc hội.

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều nay (24/7) đã trình bày tờ trình về đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, thực tế phát sinh tình huống khó khăn, vướng mắc và bất cập cần giải quyết ngay.

“Vì Covid-19 chưa có tiền lệ nên cần những biện pháp chưa có trong tiền lệ để giải quyết”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay còn có sự bất cập trong ban hành một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, do đó cần có văn bản ở tầm pháp lý cao hơn để tạo điều kiện cho công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.

Tờ trình nêu rõ về pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần được quyết định các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội chưa họp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, "Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp" và “các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định” trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, Bộ trưởng Y tế cho biết và giải thích thêm nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự, đối ngoại, đời sống nhân dân...

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành, như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp...

Chính phủ cũng được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất.

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất Thủ tướng quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng chống dịch. Địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết...

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Xã hội, cho biết về cơ bản tán thành với nội dung tờ trình. Tuy nhiên, bà đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra; cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào nghị quyết các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Nghị quyết này được thực hiện đến ngày 31/12/2022. Trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Theo số liệu của Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trên cả nước từ ngày 27/4 đến trưa ngày 24/7 là 83.191 ca, ở 62 tỉnh, thành phố. Hiện Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Cũng tại chiều ngày 24/7, 96% đại biểu Quốc hội đã đồng ý rút ngắn 3 ngày làm việc của kỳ họp thứ nhất, tức bế mạc ngày 28/7 thay vì 31/7 như kế hoạch.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết chương trình làm việc sẽ được điều chỉnh từ ngày 25/7 đến khi bế mạc kỳ họp. Quốc hội sẽ làm việc vào chủ nhật (25/7); giảm một ngày thảo luận ở hội trường về tài chính, ngân sách, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.