Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố ý hạ bệ uy tín người kinh doanh

Hương Giang - 10:39, 05/11/2022

TheLEADERThông thường, trong công cuộc bảo vệ người dùng, đối tượng bị xử lý hầu hết là các tổ chức kinh doanh, nhà cung cấp. Trong khi đó, trên thị trường, một số người tiêu dùng đang lợi dụng quyền hạn của mình để nói sai sự thật, hạ bệ nhà cung cấp nhưng pháp luật lại chưa có chế tài để xử lý.

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ngoài những góp ý về trách nhiệm và quyền lợi của nhà cung cấp, đại biểu quốc hội cũng đưa ra nhiều ý kiến về chế tài xử lý với những người tiêu dùng cố tình làm ảnh hưởng đến sự công bằng của thị trường.

Xử lý người tiêu dùng cố tình hạ bệ, xuyên tạc người kinh doanh

Góp ý về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) chỉ ra thực tế rằng trong một số trường hợp, người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Đề xuất xử lý người tiêu dùng lợi dụng quyền hạn, hạ bệ người kinh doanh
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). (Ảnh: ĐT)

Ví dụ, gần đây có nhiều hiện tượng khách hàng đến sử dụng các dịch vụ, nhưng khi livestream trên mạng xã hội lại đưa tin không đúng, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy.

Cụ thể, luật cần bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa những thông tin sai sự thật về sản phẩm.

Xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả, hàng nhái

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, nếu không xử lý những người cố tình mua hàng giả sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững.

Đề xuất xử lý người tiêu dùng lợi dụng quyền hạn, hạ bệ người kinh doanh 1
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng cần phải xử lý những người cố tình mua hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững (Ảnh: VTV)

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Đình), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán.

Đại biểu đoàn Bình Định cho biết với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? Theo nữ đại biểu, dự Luật lần này chưa nêu trường hợp nói trên.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, nếu không xử lý những người cố tình mua hàng giả sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững

"Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Bảo vệ người tiêu dùng trong điều kiện chuyển đổi số

Trong thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là cần thiết.

Từ đó, luật có thể thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Dự thảo Luật lần này đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Theo đó, dự thảo đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Nhiều đại biểu cho rằng, các quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy như dự thảo Luật có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiếu căn cứ khi thẩm định hồ sơ. Do đó, cần bổ sung các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với những dịch vụ tin cậy.