Điểm yếu của doanh nghiệp logistics Việt Nam

Nguyễn Cảnh - 08:48, 19/04/2023

TheLEADERTrong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh gay gắt, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics nội là chi phí dịch vụ còn cao, trong khi chất lượng cung cấp chưa cao.

Điểm yếu của doanh nghiệp logistics Việt Nam
Dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (ảnh minh họa)

Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Đồng thời, theo Bộ Công thương, một vấn đề quan trọng nữa là hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

Hoạt động phát triển logistics quốc gia còn ghi nhận tình trạng hạn chế mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistics.

Ty lệ lớn các ứng dụng công nghệ thông tin đang được sử dụng tại các doanh nghiệp đơn thuần là các ứng dụng cơ bản với những chức năng riêng biệt, không có tính thống nhất phụ trách các mảng như quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải…

Lý do chính là những khó khăn liên quan tới vấn đề tài chính do chi phí để đầu tư chuyển đổi số lớn (trong khi phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ với số vốn hạn chế).

Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành phố, cả nước có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng (theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1012 hồi tháng 7/2015) đang được các tỉnh, thành tập trung triển khai, kêu gọi đầu tư (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Tp.HCM, Đắk Nông…).

Năm 2022 có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 như: trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng, KM Cargo Services Hải Phòng, Vĩnh Tân Bình Thuận.

Đáng chú ý, là vấn đề năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Thống kê cho thấy Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như: DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker…

3PL là cung cấp dịch vụ logistics cho bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng. Có nghĩa là người thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics cho từng bộ phận như: Thực hiện thủ tục xuất nhập hàng thay cho người gửi hàng; thay mặt cho người nhập khẩu làm các thủ tục thông quan hàng hóa và đưa hàng hóa đến đúng điểm quy định; Cung cấp các chứng từ giao nhận, vận tải, vận chuyển nội địa…).

Như vậy, dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu…

So với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, xe tải…), đồng thời am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu kết nối xuyêt suốt.

Năm 2022, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các FTA thế hệ mới.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2018, chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam xếp thứ 39/160 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu (tăng 25 bậc so năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước Asean).

Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Đây là kết quả tốt nhất và cũng là kết quả xếp hạng gần đây nhất của Việt Nam.