Điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục gặp khó

Thái Bình - 09:48, 01/06/2024

TheLEADERThứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, việc cho phép điện mặt trời mái nhà được lựa chọn xả lên lưới điện quốc gia không tính tiền là "một sự ưu ái, may mắn".

Điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục gặp khó
Vẫn còn nhiều quan điểm về phát triển ĐMTMN. Ảnh: Hoàng Anh

Việc xây dựng dự thảo chính sách mới dành cho quản lý, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) diễn ra trong bối cảnh Luật Điện lực chưa có quy định về điện tự sử dụng, gồm những nguồn điện nào, có hay không được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Đặc biệt, là đòi hỏi bức thiết của nhiều doanh nghiệp sản xuất (nhất là trong các khu công nghiệp), cá nhân về lắp đặt hệ thống ĐMTMN để tự sử dụng nhưng vẫn phải chờ cơ sở pháp lý. Trạng thái này diễn ra từ tháng 1/2021 đến nay – tức sau khi Quyết định 13/2020 của Thủ tướng hết hạn.

Điển hình cho tâm tư của các tổ chức doanh nghiệp hoạt động sản xuất có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN để tự sử dụng tại chỗ, là Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (gọi tắt là Heineken Việt Nam).

Heineken Việt Nam kiến nghị loại bỏ cụm từ “không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác” trong dự thảo nghị định phát triển ĐMTMN do Bộ Công thương đang lấy ý kiến.

Nguyên nhân, các công ty sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp đang có sẵn nhà xưởng, nhà kho diện tích đủ lớn để lắp hệ thống ĐMTMN.

Tuy nhiên, vì không có chuyên môn và ngành nghề về điện mặt trời, các chủ cơ sở sản xuất tính toán liên kết với các doanh nghiệp có chuyên môn để đầu tư, lắp đặt và sẽ bán lại điện cho chính các công ty sở hữu mái nhà.

Việc này, sẽ đảm bảo điện mặt trời chỉ phục vụ sản xuất của chủ sở hữu mái nhà, tối ưu hóa chi phí đầu tư giữa chủ đầu tư và chủ cơ sở sản xuất.

Đồng thời, Heineken Việt Nam quan ngại việc không bán được điện cho tổ chức, cá nhân khác bao gồm cả EVN sẽ cản trở phát triển điện mặt trời. Đầu tư cho điện mặt trời tốn rất nhiều chi phí nhưng không thu được thu hồi vốn từ bán điện thì sẽ không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Tuy nhiên, Bộ Công thương xác định bảo lưu nội dung “không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác” trong dự thảo, tức kiến nghị của Heineken Việt Nam đã gián tiếp bị từ chối.

Bộ Công thương xác định, Chính phủ cần quy định cụ thể để thống nhất cách thức thực hiện, giải pháp triển khai để doanh nghiệp, người dân được lắp đặt ĐMTMN nhằm tự sử dụng, tự sản tự tiêu, giảm mua điện từ hệ thống điện quốc gia.

Một trong hai phương án đưa ra, là cho phép phát triển ĐMTMN (có quy mô thuộc quy hoạch điện VIII) được đấu nối với lưới quốc gia. Việc này nhằm duy trì hoạt động của ĐMTMN và cung cấp điện khi nguồn này không đáp ứng nhu cầu sử dụng, không bán điện vào hệ thống cũng như tổ chức/cá nhân khác.

Bộ Công thương cho biết, nếu tổ chức/cá nhân lựa chọn phát điện dư vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng đó với giá không đồng. Đổi lại, Nhà nước cho phép ĐMTMN liên kết với hệ thống điện quốc gia để vận hành ổn định.

Trường hợp ngược lại, phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế điện dư vào hệ thống.

Đặc biệt, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc đầu tư lắp đặt ĐMTMN không phải để kinh doanh, mà là để mua sự tiện ích.

Lý do, để lắp ĐMTMN, cá nhân/tổ chức đều phải mua thiết bị như nhau. Riêng thiết bị biến đổi dòng điện một chiều thành xoay chiều để dùng được, thì có hai loại gồm: inverte hòa lưới (On – grid) và không hòa lưới (Off – grid).

Nếu nhà đầu tư “cho tặng” điện thừa thì chỉ cần mua On- grid giá rẻ, còn muốn giữ lại, thì phải mua Off – grid đắt hơn nhiều, chưa kể đầu tư bộ lưu trữ điện.

“Nhà nước cho phép ĐMTMN được lựa chọn xả lên lưới không tính tiền là một sự ưu ái, may mắn. Hơn nữa việc dùng ĐMTMN tự sản tự tiêu là lợi ích cùng tiện ích cho chính các tổ chức, cá nhân chứ không phải cho người khác hay Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Rõ hơn, nếu phát triển điện mặt trời để lưu trữ ban ngày và dùng vào ban đêm thì tổ chức, cá nhân cũng phải bỏ hàng chục triệu đồng để mua hệ thống lưu trữ điện. Còn nếu muốn bán lại vào ban ngày cho nhà nước và buổi tối dùng khấu trừ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chính Nhà nước vì sẽ phải mua hệ thống lưu trữ hộ mà không được lợi gì.

Nếu việc phát triển ĐMTMN trên diện rộng, quy mô lớn và đẩy lên hệ thống điện quốc gia thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn hệ thống.

Quy hoạch điện VIII đã xác định phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu để sử dụng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống.

Quy hoạch điện VIII phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMTMN của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và ĐMT tự sản, tự tiêu.

Từ nay đến 2030, công suất nguồn điện này ước tính tăng thêm 2.600MW. ĐMTMN được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.