Định hướng mới của Hội An trong thu hút khách du lịch

An Chi - 08:31, 13/11/2021

TheLEADERTrong bối cảnh khó khăn của ngành du lịch, Hội An luôn tự làm mới mình để phù hợp với hoàn cảnh mới và chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón du khách quay trở lại.

Định hướng mới của Hội An trong thu hút khách du lịch
Du lịch Hội An chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19

Từ một địa phương thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước, đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến du lịch Hội An chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến mọi thứ ở Hội An thay đổi, thị trường du khách "đóng băng"; hàng trăm nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp và khu phố cổ phải đóng cửa; cả chục nghìn lao động mất việc làm.

Tính đến tháng 4/2021, thành phố có 86 đơn vị sản xuất kinh doanh đã nghỉ hẳn, trong đó có 65 hộ và 21 đơn vị, doanh nghiệp. Cùng với đó, 2.298 đơn vị sản xuất kinh doanh đã tạm dừng hoạt động. Vào cuối năm 2019, Hội An có hơn 9.300 chủ thể kinh doanh nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 6.500 chủ thể kinh doanh và hầu hết cũng đang hoạt động cầm chừng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Hội An đã giảm sâu, chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch giảm sút 15.000 tỷ đồng. 90% doanh nghiệp đóng cửa và nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể. 14 nghìn lao động mất việc làm.  

Trong bối cảnh khó khăn đó, Hội An đang chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón du khách quay trở lại và luôn tự làm mới mình để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, định hướng của Hội An trong thời gian tới vẫn là ưu tiên thu hút khách du lịch chi tiêu cao với du lịch Hội An. 

Trước đây, khách du lịch đến Hội An, khách quốc tế chiếm 60%, khách nội địa chỉ 40%. Trong thời gian tới, khi tập trung thu hút khách nội địa, Hội An sẽ ưu tiên dòng khách có trải nghiệm du lịch cao cấp. Hiện, địa phương đã có thương hiệu trong việc định vị Hội An với thị phần cao cấp.

Bên cạnh đó, Hội An sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn. 

Ông Trường cho rằng, sự thay đổi này của Hộ An là phù hợp với xu hướng đi du lịch sẽ có sự thay đổi sau dịch. Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp - nông thôn… sẽ là ưu thế. Đây là những loại hình du lịch Quảng Nam đang thúc đẩy phát triển và đã có có những kết quả nhất định.

Hiện Quảng Nam có 125 km bờ biển và số km bờ biển còn hoang sơ, kéo dài từ Nam Hội An đến Chu Lai, giáp Quảng Ngãi còn rất lớn.

70% diện tích đất tại Quảng Nam là làm nông nghiệp, nên cơ hội làm du lịch sinh thái, nông nghiệp - nông thôn gắn với làng quê rất lớn. Dư địa phát triển về phía Nam và phía Tây còn rất lớn. Quảng Nam xác định sẽ thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch xanh theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Theo ông Trường, định hướng này cũng đã được UBND tỉnh cũng như tỉnh ủy ban hành các văn bản. Quảng Nam mới ban hành nghị quyết số 13 về phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, chương trình hành động cho giai đoạn phát triển mới, trong đó mở rộng không gian phát triển về phía Nam hoặc phía Tây, ưu tiên phân khúc thị trường khách để giảm sự quá tải của Hội An hiện nay. Ví dụ như mở rộng về phía Nam Hội An, các dự án như Hoiana, Vinpearl Hội An…

Đó là những dự án sẽ kéo giãn du khách từ phía Bắc qua phía Nam, kết hợp với sân bay Chu Lai và các trọng điểm du lịch như đảo Tam Hải, hồ Phú Ninh, làng Lộc Yên ở Tiên Phước, sông Ngọc Linh ở Bắc Trà My. Đây là những điểm du lịch mới hình thành ở Quảng Nam để tạo ra giá trị gia tăng trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, Quảng Nam vẫn ưu tiên phát triển khu vực Hội An, Điện Bàn với ưu tiên về khu vực vùng Đông và sẽ mở rộng về phía Nam. Trong đó, sân bay Chu Lai là một cửa ngỏ và cảng Chu Lai là một cảng biển có thể đón được du khách quốc tế.

Phía Nam của Quảng Nam sẽ chủ động được nguồn khách, thay vì lâu nay nguồn khách đến Quảng Nam chủ yếu qua Đà Nẵng, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng. Lần này, chúng tôi sẽ chủ động nguồn khách đến Quảng Nam về hướng Nam, qua đường hàng không ở sân bay Chu Lai, đường biển qua cảng Chu Lai hay qua đường sắt là ga Tam Kỳ.

"Chúng tôi sẽ chủ động đón khách tại khu vực phía Nam và xem khu vực này là một vệt trải dài về phía Bắc từ Chu Lai, Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên và đến Hội An, Điện Bàn để phát triển du lịch biển kết hợp với khu vực phía Tây là các điểm du lịch đặc sắc để hình thành một số khu điểm", ông Trường cho hay.

Khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng sẽ đi trải nghiệm tại các làng ven biển, điểm du lịch ở phía Tây rồi quay về ngủ ở khu vực biển, từ đó hình thành các vệ tinh ở phía Tây.

Sắp tới đây, Sở Du lịch sẽ tham mưu cho UBND và HĐND tỉnh ban hành một nghị quyết hỗ trợ về phát triển du lịch cộng đồng và trước đây đã có một nghị quyết về phát triển du lịch miền núi, hình thành các điểm du lịch vệ tinh ở phía Tây để kết nối với các khu du lịch ven biển.

Bên cạnh việc thay đổi trong chiến lược thu hút khách du lịch, theo ông Trường, Quảng Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố để mở cửa du lịch trở lại. 

Để làm được điều này, Quảng Nam đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như ưu tiên tiêm vaccine; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch cũng như du khách, tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động để họ có thể mở cửa hoạt động du lịch trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành bộ tiêu chí đánh giá độ an toàn của các cơ sở kinh doanh du lịch. Dựa vào đây, các doanh nghiệp sẽ xem xét, áp dụng và các cơ quan nhà nước cũng có thể giám sát, đánh giá khả năng đón khách của các tổ chức, cá nhân.

Quảng Nam nói chung và Hội An sẽ triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến để thu hút khách đến, xây dựng các gói kích cầu, các chương trình thúc đẩy các tour cũng như các sản phẩm du lịch xanh, du lịch làng quê - làng nghề, các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng du lịch mới. Kế hoạch này sẽ được triển khai từ cuối tháng 11 đến hết năm 2022.