Lời giải cho giá trị bền vững của bất động sản Hội An

Thu Phương - 08:05, 25/04/2021

TheLEADER“Với vùng đất Hội An đậm tính di sản, ngoài xi măng, cốt thép, chúng tôi muốn xây dự án với một vật liệu nữa - vật liệu bằng văn hoá. Đây chính là sợi dây kết nối, gạch nối giữa dự án với phố cổ, tạo giá trị trường tồn, giá trị nhân văn”, ông Vũ Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp đã chia sẻ đầy tâm huyết khi nói về việc đầu tư dự án Hoian d’Or.

Lời giải cho giá trị bền vững của bất động sản Hội An
Hội An, vùng đất đậm tính di sản.

Hẹn ông Thành sau buổi lễ khởi công dự án Hoian d’Or, một chặng đường không hề dễ dàng để theo đuổi dự án này đã đi qua và khối lượng công việc khổng lồ còn ở phía trước, nhưng trên gương mặt vị giám đốc vẫn luôn thường trực nụ cười. 

Dường như, tình yêu quá lớn, quá sâu đậm đối với mảnh đất và con người nơi đây đã tiếp thêm cho ông một sức mạnh tinh thần ghê gớm.

Lần đầu tiên đặt chân đến Hội An từ cách đây hơn 10 năm, với ông Thành, nơi đây như một mảnh đất cổ xưa có sức vẫy gọi diệu kỳ. Hội An trong ông như quê hương thứ hai, thậm chí, còn hơn thế nữa khi chỉ “xa một ngày đã nhớ”!

Chính sự gắn bó như máu thịt đã khiến ông trăn trở, nung nấu việc phát triển một dự án thực sự có giá trị bền vững, trường tồn với mảnh đất này. Một dự án mà trong đó lồng ghép được cả ba yếu tố văn hoá bản địa, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Lời giải cho giá trị bền vững của bất động sản Hội An
Ông Vũ Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp

Ông Thành say sưa nói về Hội An, về dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái và trải nghiệm văn hóa Hoian d’Or mà ông và các cộng sự đang nỗ lực triển khai xây dựng từng ngày với sự đam mê, tâm huyết và nhiệt thành.

Sức hút đặc biệt của miền di sản

Điều gì trên mảnh đất này đã khiến ông yêu và gắn bó với Hội An đến vậy?

Ông Vũ Văn Thành: Hội An là vùng đất hết sức đặc biệt! Nó bé xíu như lòng bàn tay, nhưng để khám phá và hiểu hết, có lẽ cần đến cả một đời người.

Bên cạnh di sản văn hoá được UNESCO công nhận, nét đẹp của Hội An còn đến từ văn hoá ứng xử, sự giữ gìn, bảo vệ di sản của người dân địa phương.

Người dân Hội An có sự mộc mạc, trung thực, chất phác mà không nơi nào có được. Họ đối xử với người ở nơi khác đến hết sức bình đẳng, không ồn ào, không phân biệt giàu nghèo, địa phương, vùng miền, quốc gia … Tất cả mọi người đến đây đều được quý trọng, thân thiết.

Nếu chúng ta cần một sự giúp đỡ ở Hội An thì người dân địa phương luôn rất nhiệt tình, không vụ lợi.

Tính cách trung thực, thẳng thắn và sự mến khách của con người Hội An là yếu tố vô cùng khác biệt khiến du khách đến đây cảm thấy gần gũi, muốn gắn bó. Chính cảm xúc giữa người với người đó đã tạo nên giá trị bền vững của du lịch.

Cũng vì vậy mà Hội An dù rất nhỏ bé nhưng giống như một Việt Nam thu nhỏ, nó hội tụ rất nhiều người từ các tỉnh thành, các quốc gia… vì yêu quý mảnh đất, con người nơi đây mà đến sinh sống, coi Hội An như quê hương thứ hai của mình.

Có phải vì yêu vùng đất này nên ông đã quyết định đầu tư tại đây?

Ông Vũ Văn Thành: Không phải chỉ tôi mà rất nhiều người yêu Hội An khác đều có quyết định như vậy. Với sự nhạy cảm của mình, tôi đánh giá việc đầu tư tại Hội An rất an toàn và mang lại giá trị bền vững. Đó là sự khác biệt rất lớn so với các vùng đất khác .

Nếu như việc đầu tư bất động sản tại nhiều địa phương chủ yếu là đầu cơ lướt sóng, là những vụ “đánh quả”, tạo sóng vì lợi nhuận thì đa phần các nhà đầu tư đến Hội An đều là tầng lớp “tinh hoa” - họ yêu, hiểu và tin Hội An. Từ yêu quý vùng đất này mà họ muốn gắn bó, muốn xây dựng cho mình một ngôi nhà thứ hai.

Do việc đầu tư trước hết dựa trên nhu cầu thật nên bất động sản Hội An không có những đợt sóng quá lớn. Song, trải qua rất nhiều những chu kỳ bất động sản, nhà đất nơi đây vẫn tăng giá đều.

Chưa bao giờ giá bất động sản Hội An đi xuống, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua, bởi ngay bản thân nó đã mang giá trị thật. Trong thời điểm khó khăn của thị trường, lượng giao dịch có thể chậm hơn và trừ trường hợp một số nhà đầu tư cần tiền, phải bán gấp tài sản, còn lại, trên mặt bằng chung, mức giá vẫn không giảm.

Vậy đâu là yếu tố tạo ra giá trị bền vững cho bất động sản Hội An?

Ông Vũ Văn Thành: Giá trị bền vững của bất động sản Hội An trước hết đến từ tính khan hiếm, tính đặc biệt của các sản phẩm. Theo đó, Hội An là một thành phố rất nhỏ, không có nhiều quỹ đất để đầu tư. Để có được một dự án đầu tư tại Hội An phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt .

Trải qua rất nhiều chu kỳ bất động sản, nhà đất Hội An vẫn tăng giá đều. Chưa bao giờ giá bất động sản Hội An đi xuống, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Vũ Văn Thành.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp

Mặt khác, tại Việt Nam, với đường bờ biển rất dài, tỉnh nào cũng có biển, do đó để sở hữu một bất động sản ven biển không phải điều gì quá khó. Song, để sở hữu một bất động sản nằm trong lòng di sản, đặc biệt lại là di sản phố cổ thì quả thực rất hiếm.

Giá trị của các bất động sản nằm trong thành phố di sản là rất lớn, không thể tính toán được giống như các bất động sản thông thường. Nó thừa hưởng lại toàn bộ tính kế thừa, sự giữ gìn trùng tu, bảo quản rất nghiêm ngặt, chưa nói đến việc quản lý của chính quyền địa phương trong nước và các tổ chức quốc tế.

Yếu tố thứ hai mang lại giá trị bền vững cho bất động sản Hội An chính là sự hấp dẫn của du lịch.

Ở Hội An có rất nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm làm cho du khách đến đây cảm thấy thích thú, không nhàm chán như các nơi khác. Tỷ lệ khách du lịch quay lại Hội An rất cao. Hầu hết những ai đã sống, đã đi du lịch Hội An và hiểu Hội An thì họ sẽ liên tục quay trở lại. Với họ, một năm không đi hội An 2 – 3 lần là sự thiếu vắng rất lớn.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sức hấp dẫn của du lịch Hội An là mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn còn một lượng khách nước ngoài rất lớn, gần một ngàn người đang lưu trú tại đây.

Là người gắn bó và hiểu Hội An, ông cho rằng, việc đầu tư bất động sản ở Hội An có gì khác với các nơi khác?

Ông Vũ Văn Thành: Không giống các địa phương khác, thành phố này bé xíu, bé rất bé. Chính vì vậy mà quỹ đất cho việc phát triển các dự án bất động sản cũng rất hiếm hoi.

Bên cạnh đó, chính quyền đô thị Hội An cũng quản lý rất chặt về tài nguyên đất. Vào Hội An, chúng ta có thể thấy có rất nhiều cánh đồng lúa, rất nhiều ao rau muống, vườn cây xen kẹt ở giữa những con phố lớn – nét đẹp mà không một địa phương nào có được. Ở các tỉnh thành khác, những khu đất này sẽ dễ dàng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất đô thị để xây dựng dự án bất động sản, nhưng Hội An thì không. Hội An vẫn giữ lại được nét bình yên, thơ mộng, rất làng quê ngay trong lòng thành phố .

Cũng chính vì việc quản lý của chính quyền rất chặt như vậy nên để có một quỹ đất để phát triển dự án tại Hội An là không dễ dàng. Các địa phương khác có thể lúc nào cũng có vài chục dự án đang triển khai nhưng ở Hội An lại rất hiếm, mỗi năm, thường chỉ vài dự án đếm trên đầu ngón tay.

Một vấn đề nữa về việc quản lý của chính quyền địa phương là tỷ lệ, mật độ xây dựng ở Hội An rất thấp. Thành phố Hội An không cho phép xây dựng dự án cao tầng. Chính quyền địa phương xác định nơi đây là một thành phố du lịch văn hóa, thành phố sinh thái, không có bê tông cốt thép, giống như hình ảnh cả đô thị được thiên nhiên ôm vào lòng.

Việc chính quyền đô thị quản lý rất chặt về quy hoạch có gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai dự án bất động sản, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thành: Thực ra, chính vì sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương như vậy, nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư vào Hội An.

Bê tông hoá là một trong những yếu tố tiêu diệt đô thị rất ghê gớm. Có thể hôm nay, chúng ta nhìn thấy một tòa cao, trông rất đồ sộ khiến chúng ta trầm trồ, ngưỡng mộ, nhưng nó vô tình lại làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng đất. Hơn nữa, nhiều năm sau này, để xử lý những tòa nhà cao tầng đã xuống cấp sẽ là vấn đề rất nan giải.

Vì vậy, không quản lý chặt yếu tố quy hoạch với sự phát triển của Hội An, để đô thị này bị bê tông hoá thì đó sẽ là sự đáng tiếc rất lớn.

Mặt khác, việc chính quyền địa phương là người “be bờ” không cấp phép dự án tràn lan để cho thành phố trở thành lộn xộn cũng khiến các doanh nghiệp tránh được những rủi ro và cảm thấy yên tâm hơn trong đầu tư.

Chẳng hạn như tại Hội An, hàng năm, chính quyền đô thị sẽ thống kê lượng khách du lịch, từ đó họ sẽ tính toán xem năm nay sẽ cấp phép cho xây bao nhiêu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, homestay. Việc đầu tư của doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ an toàn hơn so với việc các địa phương cấp phép cho quá nhiều dự án khiến dư thừa nguồn cung lưu trú.

Còn về yếu tố mật độ, tất nhiên, mật độ xây dựng thấp sẽ hạn chế phần lợi nhuận của chủ đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán cho phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào quan điểm đầu tư của mỗi doanh nghiệp.

Với Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp, trên một vùng đất mang đậm tính di sản này, chúng tôi muốn phát triển một dự án mà trong đó lồng ghép được cả câu chuyện trải nghiệm văn hoá, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và kinh doanh chứ không chỉ đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Chỉ những dự án như vậy mới thực sự có giá trị bền vững với mảnh đất này.

Sự kết hợp giữa văn hoá, du lịch và bất động sản

Vậy ông đã làm cách nào để đưa văn hoá Hội An vào dự án bất động sản của mình?

Ông Vũ Văn Thành: Khi bắt tay vào triển khai một dự án bất động sản, trước hết, chủ đầu tư phải có ý tưởng, phải đưa ra “đầu bài” cho công ty quy hoạch. Song, dự án có lồng ghép được yếu tố văn hoá bản địa vào trong đó hay không là một vấn đề khác! Không phải dự án nào cũng làm được, muốn đưa được văn hoá vào dự án bất động sản thì bản thân địa phương - nơi phát triển dự án phải có một vốn văn hoá nhất định như tính lịch sử, tính di sản.

Nếu bản thân địa phương đó không có gì cả thì sẽ không đưa được yếu tố văn hoá vào dự án, hoặc đưa không tới, yếu tố văn hoá không được tròn đầy, đậm nét sẽ không đủ mạnh để làm nổi bật lên được.

Dự án phải vừa mang tinh thần Hội An nhưng vẫn phải giữ được hơi thở đương đại.
Ông Vũ Văn Thành
Tổng giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Cồn Bắp

Với các công ty thiết kế nước ngoài, khi lập quy hoạch, việc đầu tiên, họ sẽ tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, thứ hai là tìm hiểu văn hoá của vùng đất đó. Yếu tố văn hoá sẽ được đưa vào dự án ngay từ khâu lập quy hoạch, sau đó mới đến ý tưởng kiến trúc và việc hoàn thiện các công trình.

Ví dụ như kiến trúc tại các khu nhà cổ ở Hội An ngoài mái ngói âm dương thì ngôi nhà thường rất dài, ở giữa nhà có khoảng sân, cùng với đó là sự cầu kỳ của các hoa văn hoạ tiết trang trí. Nhà ở Hội An thường có hoạ tiết hoa thị tại nhưng chi tiết gỗ ở cổng, cửa như một biểu hiện mang ý nghĩa cho sự may mắn.

Những đặc điểm về kiến trúc này được chúng tôi chọn lọc, đưa vào dự án của mình để dự án vừa giữ được tinh thần Hội An vừa mang hơi thở của kiến trúc đương đại.

Về quy hoạch, ngoài việc đa dạng loại hình kiến trúc như shophouse, nhà mặt phố, biệt thự cao cấp, khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế, dự án Hoian d’Or còn có khu không gian văn hoá, nơi trưng bày, lưu trữ nhiều kỷ vật của di sản Hội An, Việt Nam và công viên sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp.

Lấy cảm hứng từ những tuyến phố tấp nập của Hội An, dự án kiến tạo nên tuyến phố đi bộ độc đáo với 3 trục tâm điểm: Trục văn hóa kết nối trực tiếp với không gian văn hóa ở phía Tây; trục thương mại kết nối trực tiếp với trung tâm hội nghị thương mại ở phía Nam; trục sinh thái kết nối trực tiếp với khu công viên sinh thái ở phía Đông.

Tại đây, tất cả những nét đẹp trong văn hoá bản địa của Hội An từ ẩm thực, các làng nghề cổ đến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát bài chòi sẽ được tái hiện, nhằm mang lại những trải nghiệm văn hoá thực sự ấn tượng. 

Lời giải cho giá trị bền vững của bất động sản Hội An 2
Phối cảnh dự án Hoian d’Or

Đặc biệt, với thương cảng thực cảnh Hoian d’Or Marina, khu shophouse Maison de Ville, dự án sẽ tái hiện lại một hình bóng Hội An trên bến dưới thuyền sầm uất một thời.

Việc đưa các yếu tố bản sắc văn hoá Hội An vào liệu có khiến dự án trở nên rập khuôn, sao chép và mất đi tính đương đại, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thành: Yêu cầu đầu tiên đối với kiến trúc của một dự án tại Hội An là phải mang tinh thần Hội An, tiêu biểu nhất mà chúng ta có thể thấy là nhà hai mái, song đó không thể là sự rập khuôn, sao chép nguyên bản.

Dự án phải vừa mang tinh thần Hội An nhưng vẫn phải giữ được hơi thở đương đại. Đơn cử như việc sử dụng các vật liệu đương đại trong dự án giúp thi công nhanh, tiết kiệm, bền vững hơn, phù hợp hơn với điều kiện khí hậu và thị hiếu của người dân, khách du lịch hiện nay.

Giá trị dự án muốn hướng đến cuối cùng vẫn là tính ứng dụng, tính thực tế, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của con người. Dự án làm vì trải nghiệm của con người chứ không phải để trưng bày, sự rập khuôn máy móc theo lối kiến trúc cổ.

Tuy nhiên, trong tính đường đại phải làm thế nào để dự án vẫn mang tinh thần Hội An, văn hoá Hội An. Đây là điều rất khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Bởi với một dự án diện tích chỉ vỏn vẹn 25ha, ngay từ khi lên ý tưởng xây dựng, chúng tôi đã rất trăn trở trước câu hỏi, dự án không quá lớn nhưng phải có giá trị bền vững.

Trả lời cho điều này chính là sự kết hợp giữa văn hoá, du lịch vào bất động sản. Ngoài những vật liệu như xi măng, cốt thép, chúng tôi muốn xây dựng dự án bằng một vật liệu nữa - vật liệu bằng văn hoá. 

Đây chính là sợi dây kết nối, tạo giá trị trường tồn, giá trị nhân văn. Nhờ đó, dự án sẽ trở thành một gạch nối với phố cổ, trở thành điểm du lịch về văn hoá trải nghiệm và du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Xin cảm ơn ông!