Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - 20:07, 19/10/2022

TheLEADERChỉ cần bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc, cảnh quan và bổ sung hiên vật hiện có, tự thân Dinh Tỉnh trưởng là tài sản vô giá về du lịch và di sản Asean.

Mười năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng chóng mặt. Đà Lạt nằm trong vòng xoáy trung tâm. Dân số gia tăng và nhà kính nở rộ kéo theo nhiều hệ lụy. Hoa và rau củ vẫn tràn ngập nhưng nhiệt độ, kẹt xe, ngập úng tăng; rừng thông giảm, thác lão hóa và sương mù đỏng đảnh. Khách sạn bê tông khối áp đảo, các biệt thự cổ mai một, biệt thự mới vô hồn; văn hóa các tộc người thiểu số phôi pha…

Những người hoài cổ lo lắng. Tuy nhiên, cạnh dòng thác đô thị hóa xô bồ vẫn còn những con suối trong lành, bền bỉ, âm thầm níu giữ nét cũ hồn xưa. Vẫn có một Đà Lạt sâu lắng, duyên thầm với bao nét chân phương.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa
Dinh Tỉnh trưởng - Ảnh NVM

Đà Lạt hiện có trên 2.000 biệt thự cổ, nhiều nhất Asean, được xem là “bảo tàng kiến trúc” không chỉ của Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Những kiến trúc cổ là điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ Con Gà, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Trường Cao đẳng Sư phạm… Do cách quản lý chồng chéo; rất nhiều biệt thự xuống cấp, hoang phế, thậm chí bị xóa sổ.

Một trong những biệt thự đẹp nhất Đà Lạt nhưng du khách ít biết là Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước 1975. Tỉnh Tuyên Đức bao gồm thành phố Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Dram Rong, Đức Trọng (trừ xã Ninh Gia) và một phần Lâm Hà ngày nay.

Dinh Tỉnh trưởng tọa lạc trên đỉnh đồi cao nhất nội đô, người dân gọi là đồi Dinh, đắc địa hơn cả Montmartre (Paris, Pháp) với tầm nhìn thoáng, rộng 360 độ của Đà Lạt. Sinh được xây trước năm 1910, có 2 tầng lầu, 1 tầng trệt. Sau 1975 là Nhà văn hóa thiếu nhi, rồi Bảo tàng Lâm Đồng. Hiện nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng.

Năm 2011, UBND Lâm Đồng giao doanh nghiệp đầu tư tôn tạo làm du lịch nhưng chỉ trên giấy. Trong đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, Lâm Đồng có phương án "di dời nguyên khối" Dinh Tỉnh trưởng để xây dựng công trình cao 10 tầng có chức năng khách sạn, trung tâm thương mại.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 1
Những cây đại thụ trong khuôn viên Dinh Tỉnh trưởng

Con dốc cũ gập ghềnh lượn vòng hình cánh cung “dìu” tôi lên vị trí cao nhất khu vực trung tâm thành phố. Tôi sững người trước biệt thự vắng lặng, cổ kính; vẫn toát lên nét thanh lịch, kiêu sa, hấp lực. Những cây cổ thụ như thông đỏ, thông ba lá, bạch đàn… trên trăm tuổi trầm mặc, ngạo nghễ giữa cỏ xanh và nắng gió đại ngàn.

Bên trong dinh là những căn phòng đầy ắp hoài niệm, nơi trưng bày các kỷ vật ký ức Đà Lạt theo từng chủ đề như “Nguyên quán”, “Âm trầm”, “Ngược sáng”, “Khoảng lặng”, “Thời ấy” và “Tìm lại” với hơn 1.200 kỷ vật. Mỗi hiện vật là một câu chuyện về Đà Lạt của quá khứ, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa và sức hấp dẫn của Đà Lạt ngày nay.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 2
Những khía cạnh độc đáo về lịch sử, văn hóa của Đà Lạt lần lượt được tái hiện qua từng không gian trưng bày.

Phòng “Nguyên quán” có hàng trăm vật dụng như điếu hút thuốc lào, bình vôi, nồi đất, bàn thờ, hương án, áo dài, hộp trang sức, tráp cưới hỏi, mâm đồng, nồi đồng, bát đũa, đèn dầu, cân, máy khâu, quần áo… của dân miệt ngoài. Từ Hà Đông, Hà Nội, Huế; đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… và cả người nước ngoài, từ những năm đầu thế kỷ 20. Khi vào Đà Lạt, hành trang không chỉ là vật dụng mà cả tinh hoa lối sống, nghề nghiệp, tri thức.

Phòng “Âm trầm” với hàng trăm máy nghe nhạc, đĩa than, radio, loa, bản nhạc trong nước và quốc tế, được các chủ nhân gìn giữ cẩn thận qua hàng chục năm.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 3
Cây đàn dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940 – 2016) sử dụng đầu tiên.

Bộ bàn ghế nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 – 2001) vẫn ngồi cùng bạn bè, trong đó có ca sĩ Khánh Ly, ở Cà phê Tùng. Là những bản nhạc của đôi tình nhân Lê Uyên Phương (nhạc sĩ Lê Minh Lộc, 1941 – 1999 và ca sĩ Lê Uyên)…

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 4
Bộ bàn ghế nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ngồi cùng bạn bè.

Bất chấp sự nghiệt ngã của cỗ máy thời gian, các tác phẩm nhiếp ảnh về thiên nhiên, con người Đà Lạt cách đây hàng chục năm qua vẫn chuẩn mực về kỹ thuật và cảm xúc. Các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Trần Văn Châu…. đã để lại nhiều tư liệu ảnh có giá trị lịch sử quý giá.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 5
Phòng “Ngược sáng” với hàng trăm kỷ vật lại tái hiện thời hoàng kim của kỹ nghệ và nghệ thuật nhiếp ảnh Đà Lạt.

Khách còn gặp những nhân vật đặc biệt, từng ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển Đà Lạt như tủ sách của nhà ngôn ngữ và dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy (1920 - 1995); tủ quần áo và một số vật dụng của gia đình Võ Quang Tiềm (1902 – 1979), chủ hiệu may nổi tiếng, sau chuyển sang bất động sản, giàu có bậc nhất Đà Lạt xưa.

Là bộ sưu tập của cụ Nguyễn Văn Bồng – người dẫn đầu di dân miền Bắc vào Đà Lạt trồng rau, hoa; lập ấp Hà Đông. Cụ tốt nghiệp ngành canh nông đại học Paris, là cố vấn văn hóa Hội chấn hưng quốc gia của chính quyền Sài Gòn trước 1975. Là bộ sưu tập của nhà Đà Lạt học Lê Phỉ, hiệu trưởng trường Việt Anh (trước 1975), một trong những thành viên thành lập Hướng đạo sinh Đà Lạt.

Không gian trưng bày còn nhiều kỷ vật thú vị như chiếc ống nghiệm lớn đầu tiên dùng điều chế vaccin của Viện Pasteur Đà Lạt; bộ đồ nghề làm nữ trang của tiệm vàng MP, tiệm vàng lớn nhất Đà Lạt những năm 1960; chiếc loa báo động máy bay từ thời Pháp thuộc; những bức tranh, gương, bàn ghế đầu tiên được sử dụng trong khách sạn Palace (1922)…

Toàn bộ hiện vật được tự nguyện đóng góp, nhờ Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng lưu giữ, bảo quản để giới thiệu tới công chúng. Không chỉ dân Đà Lạt hiện nay; nhiều gia đình gốc Đà Lạt, đang sinh sống cả trong và ngoài nước, cũng gửi kỷ vật về chung tay, góp sức. Việc làm đã thay lời muốn nói về tình yêu mãnh liệt với Đà Lạt xưa.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 6
Không gian độc đáo của Dinh Tỉnh trưởng từng được làm nơi trưng bày các kỷ vật, hình ảnh về Đà Lạt xưa.

Không gian trưng bày kỷ vật, giúp người xem ngược miền ký ức đến với Đà Lạt xưa, để cảm nhận rõ nét văn hóa tinh tế, đặc biệt là thái độ trân quý về lịch sử và quá khứ Đà Lạt, thông qua những kỉ vật được giữ gìn, nâng niu và chia sẻ trong một không gian đẹp và đầy hoài niệm. Càng hiểu hơn về những giá trị di sản văn hóa Đà Lạt.

Đà Lạt là chốn hội tụ lưu dân và dung nạp tinh hoa văn hóa các vùng miền thành đặc trưng. Dinh Tỉnh trưởng Tuyên Đức cũ, khoảng trời ký ức cao nguyên huyền thoại, gợi nhớ lịch sử Đà Lạt xưa, cần được bảo tồn bằng mọi giá. Khoảnh rừng nhỏ trong dinh là mảng xanh đô thị hiếm hoi còn giữ được nguyên trạng.

Dinh Tỉnh trưởng và không gian hoài niệm Đà Lạt xưa 7
ông gian trưng bày kỷ vật, giúp người xem ngược miền ký ức đến với Đà Lạt xưa.

Không gian trưng bày không bán vé, có thuyết minh phục vụ. Rất tiếc là chưa được nhiều du khách biêt đến, kể cả người dân Đà Lạt. Sự lãng phí và thiệt thòi không đáng có. Dinh Tỉnh trưởng với không gian trưng bày kỷ vật văn hóa, phải là lựa chọn hàng đầu của những ai thật lòng yêu qúy Đà Lạt. Nếu di dời kỷ vật đến nơi khác, dù to đẹp hơn; cũng sẽ giảm tác dụng và bớt cảm xúc.

Chỉ cần bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc, cảnh quan và bổ sung hiên vật hiện có; tự thân Dinh Tỉnh trưởng là tài sản vô giá về du lịch và di sản Asean. Nếu được chiếu sáng nghệ thuật thì tuyệt vời. Bất kể sự thay đổi kết cấu, di dời; chưa kể làm cao ốc... đều phá hỏng cảnh quan, góp phần khai tử di tích.

Tôi thích đến một mình, lặng lẽ độc thoại với từng kỷ vật, rồi tha thẩn giữa miền cổ tích của rừng cây đại thụ trong nắng chiều hổ phách. Đợi bình minh và tiễn hoàng hôn đều cực chất nhưng vô đối là buổi tối, ngắm Đà Lạt lênh láng vàng trăng liêu trai hoặc rực rỡ sắc màu dạ hội giữa mênh mông trời sao, hư thực. Thời gian như chững lại, hơn cả gặp tri âm.

Tôi muốn níu giữ và thu hết mọi cảnh vật. Chỉ sợ, mai này...