Trong khi vẫn gặp khó với cơ chế hoàn thuế, các doanh nghiệp chế xuất có thể tiếp tục chịu thêm áp lực gia tăng chi phí theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới.
Bà Nguyễn Hải Vân, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề cộng đồng doanh nghiệp có nhiều vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến cơ chế áp dụng và hoàn thuế GTGT, đặc biệt là đối với doanh nghiệp chế xuất.
Cùng với đó, bà cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.
Hiện nay, các quy định đang làm khó doanh nghiệp chế xuất liên quan đến Luật Thuế GTGT là gì?
Bà Nguyễn Hải Vân: Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc của doanh nghiệp chế xuất khi áp dụng chính sách thuế GTGT là sự thiếu nhất quán trong quy định điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp chế xuất ở các văn bản quy phạm khác nhau.
Luật Đầu tư hiện hành và nghị định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế quy định, doanh nghiệp chế xuất được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật, bên cạnh hoạt động chính là chế xuất.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
Điều này có nghĩa là, đối với các hoạt động khác như hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp chế xuất sẽ thuộc đối tượng kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chế xuất có các hoạt động đó vẫn đăng ký kê khai, tính nộp thuế GTGT với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, về góc độ quy định, khi đối chiếu với Luật Hải quan, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế GTGT hiện hành và các văn bản hướng dẫn, hiện vẫn chưa có quy định hoặc quy định chưa nhất quán áp dụng chính sách thuế GTGT trên thực tiễn cho các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp chế xuất trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cụ thể, Luật thuế GTGT hiện hành chưa quy định rõ ràng trường hợp doanh nghiệp chế xuất được đăng ký/áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp doanh nghiệp có cả hoạt động chế xuất và ngoài chế xuất.
Nguyên do đến từ việc cơ quan quản lý hiện tại coi doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, quan hệ giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa là hoạt động xuất nhập khẩu.
Vì vậy, chưa có cơ chế rõ ràng về việc xử lý hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp chế xuất đối với số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản trước thời điểm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan.
Cùng với đó, hiện cũng thiếu cơ chế quản lý đối với hàng hóa của doanh nghiệp ở giai đoạn trước và sau khi được công nhận đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp chế xuất.
Vậy với những điều chỉnh trong dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi thì sao thưa bà? Những vấn đề trên liệu đã được giải quyết?
Bà Nguyễn Hải Vân: Trong nội dung sửa đổi Luật Thuế GTGT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 0% (áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu) đã bị thu hẹp và thậm chí, đã loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất.
Vô hình trung, các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%.
Vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế GTGT (cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu), dẫn tới doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận giá trị thuế GTGT lớn vào chi phí do không có cơ chế hoàn.
Hệ quả là dòng tiền của các doanh nghiệp chế xuất bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%.
Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây ra ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động kinh doanh đã lựa chọn chuyển đổi loại hình từ doanh nghiệp không hưởng chính sách doanh nghiệp chế xuất thành doanh nghiệp chế xuất.
Trường hợp này, doanh nghiệp phát sinh số dư thuế GTGT đầu vào lớn chưa được khấu trừ chuyển kỳ sau cần xử lý và làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.
Tuy nhiên, Luật thuế GTGT hiện nay không có cơ chế rõ ràng để xử lý thuế đối với trường hợp hoàn thuế trong giai đoạn chuyển đổi và sau khi trở thành doanh nghiệp chế xuất.
Do đó, doanh nghiệp không được hoàn thuế và đồng thời, không thể tiếp tục khấu trừ thuế GTGT đầu vào sau chuyển đổi.
Số dư thuế GTGT đầu vào buộc phải ghi nhận một lần vào chi phí trong kỳ hoặc vốn hóa vào nguyên giá tài sản cố định, dẫn đến tăng chi phí trong năm tính thuế của doanh nghiệp, tăng giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đây cũng là nội dung cần được cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi trước khi được xem xét thông qua trong thời gian tới.
Theo bà, những vấn đề trên cần các giải pháp như thế nào?
Bà Nguyễn Hải Vân: Thời điểm dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và các văn bản hướng dẫn đang được lấy ý kiến để hoàn thiện như hiện nay là phù hợp để Quốc hội và Chính phủ đánh giá tổng thể.
Từ đó, Quốc hội có thể lắng nghe, tiếp thu các đề xuất giải quyết những vướng mắc áp dụng thuế GTGT trên thực tiễn, trên cơ sở vừa đảm bảo đạo lý chính sách của thuế gián thu, vừa công bằng cho doanh nghiệp và áp dụng nhất quán cho toàn bộ chuỗi cung ứng, hài hòa với pháp luật về thương mại, đầu tư, và xuất nhập khẩu.
Xuất khẩu trên đà hồi phục, hàng tồn kho giảm, đơn hàng mới tăng, hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh. Điều này khiến nhu cầu việc làm trong ngành sản xuất có xu hướng gia tăng thời gian tới.
Các nhà sản xuất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng trở lại.
Năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 15%, tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Với môi trường kinh doanh minh bạch, hướng tới các nhà đầu tư và đề cao tinh thần đổi mới, Quảng Ninh được các nhà đầu tư chú ý tới như một miền đất hứa mới cho ngành sản xuất công nghiệp.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.