Doanh nghiệp do dự đưa cổ phiếu lên sàn

Phương Anh - 11:08, 10/04/2024

TheLEADERSố lượng thương vụ, số vốn gọi được và giá trị vốn hóa liên quan đến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp trong nước đều giảm mạnh trong năm qua do các yếu tổ bất lợi của thị trường tài chính.

Deloitte Việt Nam trong phân tích mới nhất về thị trường IPO cho biết, các doanh nghiệp với dự định IPO đang do dự để tham gia thị trường. Nguyên nhân là bởi điều kiện nhiều biến động.

Sự giảm sút này cũng được phản ánh qua biến động của các chỉ số chứng khoán.

Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Việt Nam ghi nhận hồi phục trong giai đoạn cuối năm ngoái, nhưng vẫn còn xa mức đỉnh năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo Deloitte, nguyên nhân một phần đến từ việc các nhà đầu tư nước ngoài đang "bán ròng" do các yếu tố biến động trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm ngành bất động sản và hệ sinh thái của bất động sản, vốn đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động IPO trước năm 2022 – 2023, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trải qua giai đoạn tái cấu trúc và đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế và nhiều chủ trương nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào năm 2024, gia tăng tính hấp dẫn và sôi động của thị trường vốn Việt Nam.

Năm ngoái, thị trường IPO Việt Nam chỉ ghi nhận ba thương vụ chào bán thành công, chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm trước đó. Giá trị vốn hóa thậm chí chỉ còn phần lẻ, giảm từ 537 triệu USD xuống còn 37 triệu USD.

Sau một năm, số vốn gọi qua IPO cũng “rớt thảm” chỉ còn 1/10.

Doanh nghiệp do dự đưa cổ phiếu lên sàn

CTCP Sản xuất và đầu tư Hoàng Gia, đơn vị sản xuất gốm sứ và gạch ốp lát, đứng đầu danh sách IPO năm ngoái với số tiền thu được từ IPO là 5,5 triệu USD.

Với hai công ty còn lại là CTCP Tứ Hải Hà Nam và CTCP Xây dựng và thương mại Đông Dương, mỗi công ty đã huy động được dưới 1 triệu USD.

Tại Việt Nam, bên cạnh phương pháp truyền thống là IPO để được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, một phương pháp phổ biến khác là đăng ký giao dịch. Điều này cũng cho phép các nhà đầu tư giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Với lựa chọn này, các công ty cần có hồ sơ đăng ký công ty đại chúng được xét duyệt, sau đó đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Sau hai năm giao dịch trên sàn này, các công ty đại chúng này có quyền lựa chọn niêm yết trên HOSE và HNX theo Luật Chứng khoán. 

Trong thời gian tới, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang cho thấy dấu hiệu tích cực (tăng trưởng GDP, lạm phát, vốn FDI) và thị trường chứng khoán có xu hướng tăng.

Cùng với đó, đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch mới KRX và thúc đẩy áp dụng IFRS là một phần trong chiến lược toàn diện nhằm nâng cấp vị thế thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.