Doanh nghiệp du lịch hoang mang sau đề nghị của Bộ Y tế

Kiều Mai - 15:48, 03/03/2022

TheLEADERTrong bối cảnh du lịch chuẩn bị trên chủ trương mở cửa hoàn toàn với khách nước ngoài vào ngày 15/3 tới, những kiến nghị về quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Bộ Y tế mới đây khiến nhiều doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa”.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch duy nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist) cho biết, trong hơn một tháng qua, doanh nghiệp đã lên kế hoạch và thực hiện nhiều hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ nới lỏng quy định với du khách nước ngoài, tháo gỡ các rào cản về visa, cách ly y tế.

Đơn cử, doanh nghiệp đã xây dựng tour khảo sát kết hợp với khoảng 40 hãng lữ hành, bán tour vào Việt Nam của Thái Lan, chuẩn bị nguồn lực cho sự kiện xúc tiến lớn và quan trọng.

Cùng với đó, các kế hoạch tour cuối tháng 3, đầu tháng 4 sắp tới đã được tiến hành, như đặt tiền máy bay, dịch vụ.

Tuy nhiên, kiến nghị mới từ Bộ Y tế đang khiến doanh nghiệp lo lắng hơn bao giờ, các kế hoạch có thể “đổ sông đổ bể” vì không có khách.

“Thật sự rất lo lắng, vì nếu Chính phủ quyết định như những kiến nghị chặt chẽ hơn với du khách quốc tế từ phía Bộ Y tế, thì doanh nghiệp sẽ vỡ trận. Nếu có thêm bất kỳ ràng buộc nào so với điều kiện trước đây thì chắc chắn sẽ không có khách. Trước đây đã thí điểm với yêu cầu cách ly rồi, và kết quả là du khách rất ngần ngại”, ông Thủy tâm sự.

Theo ông, kiến nghị từ Bộ Y tế còn cho thấy sự bất bình đẳng giữa khách quốc tế và khách nội địa, khi hiện nay khách trong nước đã được đi lại tự do.

Thậm chí, việc yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho du khách mà còn gây lãng phí nguồn lực xã hội bởi bản thân khách du lịch đã được yêu cầu kiểm tra trước khi vào Việt Nam.

“Trong tình huống lạc quan nhất, nếu giữ nguyên tinh thần chỉ đạo mở cửa hoàn toàn thì sẽ có các đoàn khách quốc tế vào khoảng cuối tháng 3. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa rõ phải làm thế nào, bởi chưa có bất kỳ văn bản, hướng dẫn cụ thể nào từ các cơ quan có liên quan”.

“Điều doanh nghiệp đang mong chờ nhất là chính sách của Nhà nước, cần phải rõ ràng, nhất quán, mạnh mẽ, quyết liệt, chốt được thời gian cụ thể, dỡ hết rào cản về điều kiện như trước đại dịch. Bất cứ một hạn chế nào về đi lại, nhập cảnh của du khách chắc chắn sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp rơi vào thế khó vì chính sách. Trước đó, Indochina Unique Tourist từng tính bán tour 7 ngày theo luồng xanh an toàn, nhưng đã phải bỏ vì khách không mua tour, hay dự định mở tour dịp Tết Dương lịch 2022, đón khách bằng chuyến bay thường lệ dịp Tết Nguyên đán cũng thất bại vì còn quy định cách ly y tế.

Doanh nghiệp du lịch hoang mang sau đề nghị của Bộ Y tế 1
Thiếu vắng khách nước ngoài khiến phần lớn doanh nghiệp lao đao suốt hơn hai năm qua, thậm chí phải đóng cửa.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định không chỉ phía Việt Nam, mà ngay cả các doanh nghiệp du lịch nước ngoài cũng sẽ gặp khó, vì cho đến nay, các quy định đối với nhập cảnh vào Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.

“Không chỉ doanh nghiệp mình mà các đối tác nước ngoài cũng đã chuẩn bị, thậm chí một số đã triển khai chào bán, nhưng Việt Nam vẫn chưa ra được quyết định cuối cùng và có khả năng thay đổi, ảnh hưởng lên những kế hoạch trước đó. Những quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến doanh nghiệp không còn hào hứng chào bán tour nữa”.

Ông Dũng cho biết bản thân doanh nghiệp đều hiểu và tuân theo nguyên tắc an toàn trong dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là sự rõ ràng, lộ trình cụ thể, cùng quy định, hướng dẫn chi tiết để thống nhất.

“Nếu những quy định thắt chặt hơn được thực hiện như yêu cầu của Bộ Y tế, chắc chắn khách du lịch quốc tế sẽ chưa đến Việt Nam trong ngắn hạn, và một lần nữa, Việt Nam lại đánh mất hoàn toàn cơ hội, không còn cạnh tranh điểm đến được nữa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, trên thực tế, các du khách nước ngoài gần như đã được tiêm vaccine đầy đủ, đã test âm tính trước khi đến Việt Nam, nên đây là những đối tượng rất an toàn.

Trong phúc đáp về dự thảo “Phương án mở cửa hoạt động du lịch” của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Y tế đề nghị với du khách từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế cũng quy định du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó bắt buộc 24 giờ đầu. Trong trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác, phải xét nghiệm ba lần trong ba ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi và người có nguy cơ cao cũng có quy định chặt chẽ hơn, như hạn chế đi du lịch với những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền. Những đối tượng này cũng phải có chứng nhận tiêm đủ mũi vaccine trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Trẻ em dưới 12 tuổi bắt buộc đi du lịch cùng bố mẹ, người thân đáp ứng các quy định trên.

Trước đó, trong dự thảo, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề xuất công nhận cả kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh, bên cạnh phương pháp RT-PCR.

Sau khi nhập cảnh, dự thảo kiến nghị du khách ở lại nơi lưu trú trong 24 giờ, và sau khi có kết quả âm tính có thể du lịch tự do.

Để thực hiện “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” và thực hiện mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 như kiến nghị của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao khẩn trương có tờ trình về việc áp dụng lại chính sách thị thực như trước khi có đại dịch.

Cuối tháng trước, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có công văn số gửi sở quản lý du lịch các địa phương về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3.