Doanh nghiệp lúng túng với chuyển đổi số

Quỳnh Chi - 15:38, 01/11/2021

TheLEADERĐể chuyển đổi số thành công thì cần làm tốt ba nền tảng gồm: tư duy và văn hoá số; tối ưu quy trình thích ứng với nền tảng số; công nghệ phù hợp.

Doanh nghiệp lúng túng với chuyển đổi số
Một buổi họp các thành viên chủ chốt của Mạng lưới chuyển đổi số Việt Nam (DTN)

Tiếp cận với các chủ doanh nghiệp để bàn về câu chuyện chuyển đổi số, ông Trần Ngọc Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ các Giám đốc Sales và marketing Việt Nam (CSMO) cho biết, nhiều lãnh đạo còn lúng túng, vẫn biết đã đến lúc phải chuyển đổi số nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và tìm các giải pháp như thế nào.

Đây cũng là trải nghiệm của ông Liêu Hưng Tiến, thành viên ban điều hành CSMO miền Nam khi gặp gỡ các doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi của ông Tiến về những thách thức gặp phải ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số, đa phần doanh nghiệp chia sẻ rằng họ không biết nên bắt đầu từ hoạt động nào của tổ chức, không biết làm thế nào để chọn đúng đối tác và thậm chí có người không biết chuyển đổi số là gì.

Theo ông Tiến, có ba thách thức lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bao gồm cả mảng bán hàng và tiếp thị (sales và marketing).

Một là thách thức liên quan đến tư duy của tổ chức. Chủ doanh nghiệp dù hiểu và muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề do đội ngũ không có góc nhìn chung về chuyển đổi số khi lắng nghe thông tin truyền đạt từ cấp trên.

Hai là thách thức về công cụ. Khi cả tổ chức cùng có chung cách hiểu về chuyển đổi số thì vấn đề kế đến là làm thế nào để ứng dụng các công cụ cho phù hợp và hiệu quả.

Ba là thách thức về bộ kỹ năng của đội ngũ. Trong bối cảnh mới, năng lực của nhân sự cần đáp ứng được sự đột phá của công nghệ và thích ứng được với sự thay đổi của tổ chức.

Nói về câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, ông Tiến nhấn mạnh vai trò “tiền tuyến” của bộ phận này. Việc chuyển đổi số trong bán hàng và tiếp thị thường gắn liền với yêu cầu thực tế về tăng trưởng doanh số. Điều này khác với mục tiêu chuyển đổi số để tối ưu chi phí ở các mảng khác trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Trương Tố Linh, Phó tổng giám đốc iCheck, các doanh nghiệp thường cho rằng cứ đụng đến "tiếp thị" là sẽ tốn nhiều chi phí. Họ cũng thường nóng vội muốn ra số ngay. Trong khi đó, chuyển đổi số trong mảng bán hàng và tiếp thị thường phải cần thời gian và sự kiên trì cũng như đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, các giải pháp chuyển đổi số cho bán hàng và tiếp thị khá đa dạng trên thị trường mang lại cho các doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn nhưng đồng thời cũng khiến họ bị loạn, lúng túng không biết lựa chọn giải pháp nào.

Nhìn nhận ra những thách thức trong công cuộc chuyển đổi số ở một mảng được đánh giá là “đầu kéo” của con tàu doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh mới, CSMO vừa ra mắt Mạng lưới chuyển đổi số Việt Nam (DTN) và công bố thực hiện chương trình “Đồng hành cùng 10.000 doanh nghiệp chuyển đổi số trong sales và marketing”.

Mạng lưới quy tụ các thành viên ban đầu là 30 công ty công nghệ số có kinh nghiệm về tư vấn chuyển đổi số, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ SaaS sales, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam.

Đáng chú ý, năng lực của mạng lưới DTN giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số dựa trên năm nhóm. Một là quản trị doanh nghiệp, trong đó bao gồm phát triển nhân sự, quản trị nội bộ, trải nghiệm khách hàng, pháp lý kinh doanh. Hai là loại hình doanh nghiệp, trong đó bao gồm thương mại, dịch vụ, sản xuất, xây lắp. Ba là quy mô doanh nghiệp. Bốn là ngành nghề doanh nghiệp như làm đẹp, F&B, giáo dục, thời trang & mỹ phẩm, thương mại, tài chính, dược phẩm, thực phẩm. Năm là quá trình phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến.

Sau hai năm bị Covid-19 “tấn công”, các doanh nghiệp hiện đang nỗ lực để hồi phục, gia tăng doanh số. Lúc này, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng để có thể hỗ trợ duy trì khách hàng cũ và tiếp cận khách hàng mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, để chuyển đổi số thành công thì cần làm tốt ba nền tảng gồm: tư duy và văn hoá số; tối ưu quy trình thích ứng với nền tảng số; công nghệ phù hợp.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo năm yếu tố gồm: mục tiêu và chiến lược; quy trình cải tiến; công nghệ và hệ sinh thái; phân tích dữ liệu và khai thác; trải nghiệm khách hàng.

Thiếu mục tiêu và chiến lược sẽ tạo ra sự mất phương hướng. Quy trình không phù hợp và không được cải tiến sẽ tạo ra sự thiếu đồng nhất trong quá trình thực thi. Công nghệ và hệ sinh thái không tốt sẽ tạo ra sự thất vọng. Việc phân tích dữ liệu và khai thác không hiệu quả sẽ tạo ra sự trì trệ. Đặc biệt trải nghiệm khách hàng không tốt sẽ tạo ra sự phản kháng của người dùng.