​​Doanh nghiệp Nhật ứng phó khủng hoảng: Một bức tranh đa sắc thái

Đặng Hoa - 08:46, 05/02/2022

TheLEADERPhản xạ rất lớn về quản trị rủi ro đã được hình thành từ sớm cùng với tinh thần kinh doanh liêm chính và omotenashi là những yếu tố đã góp phần quan trọng cho sự thích ứng và hồi phục nhanh chóng của các doanh nghiệp ở Nhật Bản khi phải đối mặt với khủng hoảng, trong đó có Covid-19.

​​Doanh nghiệp Nhật ứng phó khủng hoảng: Một bức tranh đa sắc thái
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai năm trải qua rất nhiều thăng trầm trong bối cảnh Covid-19, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng từ những điều bất ngờ phải ứng phó ban đầu đã tiến bước và thích ứng nhanh với sự trợ giúp tương trợ của chính phủ.

Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Nghiên cứu công thương Tokyo, bà Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Kennet Company (Nhật Bản) cho biết, có 6.030 doanh nghiệp ở Nhật phá sản trong năm 2021, giảm 22% so với năm trước đó. Con số này nằm ở mức thấp nhất trong vòng 57 năm qua kể từ con số 4.212 doanh nghiệp phá sản năm 1964. 

Điều này được lý giải là do sự hỗ trợ từ nguồn cung tài chính của chính phủ trung ương Nhật Bản và các tổ chức tài chính dù các công ty có được quản lý kém hay không. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp Nhật Bản với những đặc trưng vốn có đã không ngừng nỗ lực để thích ứng và vươn lên, dù chịu không ít đau thương và còn cần rất nhiều nguồn lực để phục hồi. 

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã trải qua hai năm ảnh hưởng của đại dịch như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Việt Hà: Các công ty lớn của Nhật Bản xoay quanh hai thái cực. Những ngành bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch Covid-19 trong một thời gian dài như hàng không, du lịch, khách sạn… buộc phải giảm thiểu lượng nhân viên, nhờ cậy đối tác để gửi nhân viên sang làm việc chéo hoặc cắt giảm lương. Ngược lại những ngành được hưởng lợi từ Covid như thực phẩm, vận tải hay giải trí vẫn ăn nên làm ra.

Nguồn tiền rẻ và việc sản xuất bị ảnh hưởng liên hoàn do thiếu phụ tùng nhập từ các nước, ảnh hưởng của vận tải toàn cầu đã làm cho thị trường chứng khoán tăng lên những cột mốc cao nhất trong lịch sử. Giá nhà đất các vùng trung tâm tăng. Giá xe ô tô cũ tăng do thiếu nguồn cung.

Các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện chuyển đổi làm việc tại nhà, tăng cường hỗ trợ về công nghệ thông tin cho nhân viên để làm việc tại nhà cũng như thực hiện trả lại mặt bằng văn phòng khá nhanh. Đặc biệt, theo như quan sát của tôi, các hiệp hội nghề, các tổ chức của doanh nghiệp như Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren), Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản vẫn nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và gặp mặt trao đổi với giới chính trị gia Nhật mạnh mẽ, thúc đẩy các chính sách tốt hơn cho phát triển tương lai.

Bức tranh về doanh nghiệp Nhật nhiều màu sắc, nhưng tôi thấy đậm chất chịu khó, nhẫn nại và chuyển đổi hỗ trợ lẫn nhau với sự tương trợ, chia sẻ nguồn lực. 

​​Doanh nghiệp Nhật ứng phó khủng hoảng: Một bức tranh đa sắc thái
Số liệu về các doanh nghiệp Nhật phá sản hàng năm kể từ 1964. Nguồn: Tổ chức Nghiên cứu công thương Tokyo

Ví dụ, hãng hàng không Nhật Bản JAL gửi nhân viên đến rất nhiều nơi để làm việc kế toán, tổng hợp, tiếp tân…giải quyết tạm thời lao động, giữ sự ổn định không phải sa thải nhiều người. Các doanh nghiệp khác nếu có điều kiện cũng rất cố gắng hỗ trợ. 

Hay như ngay trong mùa dịch, người quen của tôi là một đầu bếp nổi tiếng tại Tokyo đã cùng với nhiều người khác thành lập hiệp hội để có tiếng nói tốt hơn, bảo vệ sự hoạt động an toàn và hợp lý cho khối nhà hàng dịch vụ, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa giữ cho những nơi cung cấp dịch vụ có sức vượt qua mùa dịch, giữ khách hàng.

Với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật thì sao?

Bà Nguyễn Việt Hà: Bức tranh về các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật cũng  khá sống động.

Cộng đồng Việt Nam tại Nhật chứng kiến một thời gian rất sôi động khi các công ty buôn bán thực phẩm, nhập khẩu, và số lượng nhà hàng Việt nam gần đây tăng lên đáng kể. Rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến du lịch tận dụng lợi thế giao thương giữa hai nước chuyển sang làm về xuất nhập khẩu hàng hóa, bán hàng trực tuyến nhiều hơn. 

Các doanh nghiệp về công nghệ thông tin hay doanh nghiệp có hàm lượng gia công phần mềm cũng tăng trong năm qua. Trong năm 2021, một số công ty công nghệ thông tin mang hàm lượng Việt Nam hoặc của người Việt đã niêm yết sàn chứng khoán Tokyo.

Ở Việt Nam, phản ứng khi khủng hoảng xảy ra thường là nỗ lực cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp thậm chí lựa chọn ngủ đông và cũng có các doanh nghiệp nhanh chóng tìm được cơ hội. Còn ở Nhật Bản, những phản ứng đầu tiên là gì?

Bà Nguyễn Việt Hà: Thời gian Covid-19 mới xuất hiện là những ngày tháng rất căng thẳng. Vào đầu năm 2020, khi những điều chưa biết về vi-rút Corona còn quá nhiều, chính phủ Nhật cảnh giác và cho trẻ em học ở nhà, công sở được vận động giảm người làm tại chỗ xuống còn 30%, kêu gọi giãn cách. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4/2020; kinh tế đình trệ khá nhiều. Sữa sản xuất ra không bán được cho trường học, thịt bò wagyu có thời gian được các nơi chính quyền mua “ủng hộ” với giá rẻ để cung cấp cho bữa ăn học đường; hay các nhà cung cấp thực phẩm bị đứt gãy chuỗi cung ứng một chút phải tiêu hủy hoặc cùng nhau bán online, bán rẻ.

Tuy nhiên, cùng với các chính sách về tình trạng khẩn cấp, chính phủ Nhật cũng nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tự doanh để phần nào giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, những đơn vị bị giảm doanh thu hơn 50% so với tháng cùng kỳ năm trước nhận hỗ trợ 1 - 2 triệu yên. Các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa ban đầu không nhận được hỗ trợ, nhưng sau này cũng được nhận 700 - 1000 USD/ngày (khoảng 14 - 20 triệu VND). Việc hỗ trợ vốn vay không lãi, vay với thời hạn tốt hơn cũng giúp doanh nghiệp cầm cự và giữ lao động.

Các phản ứng của doanh nghiệp Nhật có thể chia làm 3 kiểu.

Thứ nhất là ra ngay các hướng dẫn, quy định về phòng dịch hoặc chia người làm việc online/offline đồng thời cung cấp thiết bị làm việc từ xa để người lao động yên tâm, đảm bảo an toàn. Những doanh nghiệp bắt buộc làm việc tại chỗ thì đảm bảo mức cao nhất về phòng dịch với thái độ rất bình tĩnh, đặc biệt là thông tin thông suốt, không kì thị người bị mắc covid và tương trợ khá tốt.

Thứ hai, vấn đề giảm chi phí, tăng doanh thu nhờ các sáng kiến khác nhau được coi trọng dù diễn ra khá lâu do phải đàm phán với các bên liên quan cũng như không quyết liệt bằng các nước khác. Nhờ có tỷ lệ bảo lưu vốn và có tính toán tình huống xấu trong kinh doanh nên các doanh nghiệp Nhật có vẻ bình tĩnh hơn. Những doanh nghiệp kinh doanh chuỗi, ngược lại, rất quyết liệt trong việc đóng cửa sớm các địa điểm chưa tốt và tìm kiếm tranh thủ đảo vị trí tốt hơn. Doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên giảm chi phí mặt bằng và các chi phí không thiết yếu hơn là cắt lương nhân viên.

Thứ ba, công tác chuyển đổi số hoặc ra quyết định của các doanh nghiệp Nhật được thực hiện nhanh hơn nhờ Covid. Thấy được yêu cầu phải chuyển đổi số rất nhanh nếu không muốn tụt hậu so với các nước OECD nên Chính phủ Nhật đã khuyến khích các doanh nghiệp bằng các chương trình như hỗ trợ một phần chi phí số hoá, trả một số chi phí thực chi về mảng này như phí server, phí mua máy móc...

Các doanh nhân có bị ảnh hưởng về tâm lý hay không? Họ quản trị tinh thần như thế nào?

Bà Nguyễn Việt Hà: Chìa khóa của sự thích ứng vẫn luôn là câu châm ngôn của người Nhật: “Chuẩn bị tốt thì không sợ gì cả”.

Doanh nhân Nhật luôn thường trực trong đầu một phần phản xạ rất lớn về quản trị rủi ro vì Nhật Bản là một nước hứng chịu rất nhiều thiên tai. Từ bé, người Nhật đã quen với sự huấn luyện về sự im lặng khi cần thiết (bình tĩnh), sự nhẫn nại, và đặc biệt về hợp tác chung sống hài hòa với rủi ro.

Lần này, đại dịch Covid-19 cũng chứng minh được những điều đó. Xã hội Nhật và các doanh nhân Nhật thể hiện một sự bình tĩnh và hợp tác khá tốt trong các thời gian đại dịch căng thẳng. Ít khi thấy sự tăng giá cao, ép giá hoặc buôn đi bán lại kiếm lời khi dịch xảy đến. Có thời gian khẩu trang và nước rửa tay khan hiếm, những người lợi dụng bán cao đã bị xử lý ngay, các trang bán hàng online cũng dùng nhiều kĩ thuật để lọc.

Để thực hiện được điều đó, tôi cho rằng tinh thần doanh nhân liêm chính và “omotenashi -vì người khác khi có thể- dịch vụ tận tâm” của người Nhật là tinh thần quan trọng. Tất nhiên, sức ép về doanh thu giảm, về rủi ro phá sản, lo lắng cho nhân viên… là những áp lực đâu cũng có. 

​​Doanh nghiệp Nhật ứng phó khủng hoảng: Một bức tranh đa sắc thái 2
Bà Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Kennet Company (Nhật Bản)

Trong tình hình đó, doanh nhân Nhật thường có các nhóm, hiệp hội nghề, cộng đồng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và nâng đỡ lẫn nhau. Mùa dịch năm 2020 chúng tôi cũng luôn để ý lan tỏa, mua hàng cho các bên quen biết hoặc trong mạng lưới cần sự trợ giúp. Sự liên kết tốt này có những sức nặng để đàm phán vận động chính sách với chính phủ.

Ngoài ra, phần lớn tự thân mỗi doanh nhân Nhật luôn có tinh thần học hỏi tốt, không ghen tị chơi xấu; đọc sách nhiều nên họ thường cũng có những cách suy nghĩ của riêng mình. Sự cô đơn là không tránh khỏi nhưng khi có tinh thần vững vàng với IKIGAI mạnh mẽ, người doanh nhân sẽ vượt qua dễ hơn.

Hiện nay, đại dịch ở Việt Nam vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Theo bà, những bài học nào mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay (ở bối cảnh của Việt Nam), có thể học hỏi được từ các doanh nghiệp Nhật Bản để có thể vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh mới và tìm kiếm được cơ hội vươn lên trong năm mới 2022?

Bà Nguyễn Việt Hà: Các doanh nghiệp nên đề đạt và giao tiếp nhiều hơn, tích cực, thiện chí hơn nữa với chính quyền để có được sự thấu hiểu tìm ra phương cách cùng vượt qua.

Các doanh nghiệp cũng nên luôn chuẩn bị sẵn sàng tư duy đối phó rủi ro và chuẩn bị các bản hướng dẫn khi khẩn cấp, khi thiếu người hay các trường hợp khác có thể xảy ra. Ngay cả khi không phải Covid-19 thì cũng có rất nhiều tình huống khẩn cấp khác mà mỗi doanh nghiệp cần ứng phó.

Quản trị doanh nghiệp cần coi trọng con người, coi trọng làm việc nhóm để hỗ trợ tốt nhất trong các tình huống cần thiết.

Việc trang bị “văn hóa an toàn” cho nhân viên là rất quan trọng. Cụ thể với trường hợp Covid-19, các doanh nghiệp Nhật rất chặt chẽ trong theo dõi và phòng dịch, cung cấp thông tin và cập nhật liên tục các cách phòng dịch cũng như hỗ trợ tinh thần nhân viên. Họ có ngay các máy tự động phun khử khuẩn tay, để khắp nơi, được nhắc liên tục. Đeo khẩu trang đúng- nghiêm túc và thực hiện 5K rất chặt chẽ để giảm thiểu phiền cho người khác. Ý thức của mỗi người là quan trọng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nên thúc đẩy tinh thần tìm kiếm sáng tạo, kaizen trong mọi hoàn cảnh. Tinh thần kaizen luôn có trong người Nhật nên các sản phẩm, sáng kiến và hàng hóa liên tục được đổi mới. Chỉ là khẩu trang thôi cũng đã có đủ các màu sắc, mẫu mã… Người Nhật luôn tỉ mẩn, tinh tế và có lẽ điều đó đã tạo nên nhiều điều kì diệu trong thời gian này.

Trong năm 2022 các doanh nhân Nhật khá lạc quan về sự trở lại của kinh tế cũng như nhân đà số hóa, sẽ còn có nhiều hơn những “Innovation” (cải tiến) trong nhiều mặt.

Xin cảm ơn bà!