Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu khoảng 23 tỷ USD vốn mỗi năm

Quỳnh Chi - 08:48, 11/07/2018

TheLEADERCó tới 70% số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có nhu cầu tài chính không được đáp ứng, khoản tài chính này tương đương 12% GDP mỗi năm.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nhận định, hiện nay khó tiếp cận tài chính là một trong những thách thức chính của các MSME. Nhóm doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 77% lực lượng lao động của Việt Nam và đóng góp khoảng 41% GDP. 

Tuy nhiên có tới 70% MSME có các nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng, đồng nghĩa với một khoản thiếu hụt tài chính trị giá 23,6 tỷ USD, tương đương 12% GDP mỗi năm.

IFC cho biết sẽ cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhằm giúp ngân hàng này mở rộng hơn nữa các hoạt động cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) và những khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu hụt khoảng 23 tỷ USD vốn mỗi năm
IFC tài trợ 100 triệu USD cho TPBank để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

Gói tài trợ 5 năm bao gồm 60 triệu USD từ IFC, 22,5 triệu USD từ chương trình Danh mục đầu tư đồng cấp vốn được quản lý (MCPP) tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý và 17,5 triệu USD từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc, chi nhánh HongKong.

Trong bối cảnh đó, cam kết tài trợ dài hạn của IFC được kỳ vọng sẽ giúp TPBank tăng gấp đôi danh mục cho vay MSME trong 5 năm tới, cung cấp hơn 1,8 tỷ USD cho khoảng 46.000 khoản vay vào năm 2022. Đáng chú ý, 65% các giao dịch này sẽ được thực hiện qua phương thức số.

Ngoài ra, gói tài trợ này cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện tính cạnh tranh của khu vực ngân hàng Việt Nam thông qua việc thúc đẩy một nền kinh tế phi tiền mặt với các sản phẩm và dịch vụ mang tính đổi mới và cạnh tranh. Khoản tài trợ cũng được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra khoảng 35.000 đến 56.000 công việc trong vòng 5 năm tới.

IFC cho rằng, việc chuyển sang một hệ thống phi tiền mặt là ưu tiên của Chính phủ nhằm tăng cường tính hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế và kinh doanh, và giảm nghèo tại khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống khó có khả năng tiếp cận.

“Khoản vay hợp vốn này được kỳ vọng sẽ mang lại tác động có tính xúc tác cho ngành ngân hàng tại Việt Nam, vốn đang đứng trước thời điểm quan trọng của việc huy động nguồn vốn dài hạn từ khu vực tư nhân nhằm duy trì tăng trưởng,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam - Lào - Campuchia của IFC nhận định. 

Theo đó, hợp phần vốn huy động sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường, tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ các mục tiêu phát triển quan trọng của đất nước như tạo việc làm và phát triển các MSME.

“Khoản vay hợp vốn rất cần thiết này của IFC và các định chế cho vay quốc tế sẽ giúp TPBank triển khai chiến lược số hóa dài hạn nhằm nắm bắt cơ hội tăng trưởng cho các dịch vụ tài chính số và nâng cao khả năng tiếp cận các phân khúc khách hàng chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính,” ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết.

Quan hệ đối tác IFC - TPBank bắt đầu từ đầu năm 2016 với một hạn mức tài trợ thương mại 10 triệu USD trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) của IFC. Hạn mức tài trợ thương mại đã được mở rộng qua các năm, đạt 60 triệu USD vào tháng 7 năm 2018 sẽ cho phép TPBank hỗ trợ nhiều doanh nghiệp địa phương hơn nhằm gia tăng thương mại, tạo ra nguồn ngoại tệ và việc làm cho nền kinh tế.

IFC hiện nắm giữ 4,387% cổ phần của TPBank sau khi khoản đầu tư cổ phần chuyển đổi hồi năm 2016 được chuyển đổi sang cổ phiếu.