Doanh nghiệp sống bằng 'lương khô'

An Chi - 15:53, 09/05/2020

TheLEADERDoanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp không dễ tiếp cận được dòng tiền trong thời khủng hoảng Covid-19 nên vẫn phải tự 'rút máu' để tồn tại.

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni và đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp vừa qua liên tục nhận điện thoại, tin nhắn của các bạn trẻ khởi nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa “than khóc” vì hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Theo ông Chánh, ngay cả khi nền kinh tế phát triển bình thường, những doanh nghiệp này vẫn gặp khó do không có nguồn tài chính ổn định, dài hạn và phần lớn tiền “tháng nào xào tháng đấy” do phụ thuộc vào vốn lưu động thu được từ khách hàng.

Khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu tiêu dùng của xã hội sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chịu tác động ghê gớm do không có doanh thu, thậm chí không ít công ty đã sụp đổ.

"Dịch bệnh Covid-19 như một cú sốc bất ngờ với các doanh nghiệp. Không một chuyên gia kinh tế nào có thể dự báo trước. Kể cả khi dịch đã xuất hiện nửa tháng cũng không thể dự báo được sức ảnh hưởng của nó lớn như vậy", ông Chánh nhìn nhận và cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều bất ngờ bởi dịch bệnh. 

Ông Chánh ước tính đã có đến khoảng 60 - 70% doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề trước đại dịch này; chỉ một số ít các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, hoạt động bài bản, thực sự có năng lực mới có thể vượt qua.

Doanh nghiệp sống bằng 'lương khô'
Tọa đàm trực tuyến: “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng”

Nói về khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Ngô Công Trường, Chủ tịch công ty tư vấn và giáo dục John&Partners cũng chia sẻ, vấn đề về dòng tiền để duy trì hoạt động đang là nút thắt lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay.

Ngay cả doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia trên thế giới cũng cho biết chỉ có thể duy trì được hoạt động trong vòng ba tháng nếu như doanh thu tiên tục bằng 0. Trong khi đó, các công ty nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp không có vốn dự phòng rủi ro, khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Chánh thừa nhận không dễ để các doanh nghiệp này huy động dòng tiền nhằm duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện tại vì họ chỉ có hai kênh huy động vốn là vay nợ và huy động góp vốn từ các tổ chức, cá nhân khác. 

Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp này đã khó vay vốn ngân hàng, giờ kinh tế khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gần như không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp đều cần dòng tiền ngay trong lúc này để tồn tại nên nếu đợi đến khi gọi được vốn sẽ mất khoảng từ 3 - 6 tháng và khi đó doanh nghiệp có thể không còn trụ được trên thị trường. 

Ở khía cạnh khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn đặt câu hỏi: "Trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ, nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm, doanh nghiệp không có doanh thu, vậy họ vay vốn để làm gì"? 

Nếu doanh nghiệp vay vốn để tiêu dùng thì rõ ràng sẽ không có ngân hàng nào cho vay với mục tiêu như vậy, ông Sơn nói.

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp khó tiếp cận vốn, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery cho rằng, hệ thống tín dụng còn nhiều bất cập.

Các nước phát triển có rất nhiều các tổ chức tín dụng, ngân hàng để phục vụ nhu cầu vốn đa dạng của doanh nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp lớn, họ còn có các hợp tác xã tín dụng, các quỹ để hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn rất nhỏ.

"Chúng ta lại đang quá lo sợ rủi ro, nên chưa có các tổ chức hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn về dòng tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tín dụng đen phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua", ông Lực nhận định.

Sống bằng 'lương khô'

Trong tọa đàm trực tuyến “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” do TheLEADER phối hợp với Tập đoàn TTC và các đối tác John & Partners, Base.vn đồng tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa vào việc phát triển thị trường vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng nên minh bạch báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh để tiếp cận được nhiều nguồn vốn trên thị trường, ngoài nguồn vốn từ ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận việc tiếp cận các nguồn vốn đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp là "rất dè dặt". Do đó, các doanh nghiệp nên dùng "lương khô" trước, tự mình vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Lâm Minh Chánh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là vẫn phải dùng nội lực của mình, cố gắng bán được hàng, có doanh thu để sống được trong dịch bệnh.

Còn theo ông Trường, trong bối cảnh khó khăn về tài chính, hai việc doanh nghiệp cần làm ngay là cố gắng duy trì hoạt động để có doanh thu và cắt giảm tối đa các chi phí của doanh nghiệp, tiết kiệm hết mức có thể.

Ông Trường nhấn mạnh, thời điểm khó khăn này chính là lúc doanh nghiệp phải tự "rút máu" mình ra để cứu mình. Những khoản tiền tiết kiệm, dự án đầu tư từ giai đoạn trước doanh nghiệp tích luỹ được thì thời điểm này có thể bán đi để có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động.

Trong trường hợp không thể tiếp tục cầm cự, ông Trường cho rằng, doanh nghiệp có thể cân nhắc giải pháp dừng hoạt động, "mạnh dạn bỏ luôn để làm lại từ đầu khi nền kinh tế phục hồi sau dịch".