Doanh nghiệp thành lập mới giảm sâu về bằng tháng nghỉ Tết

Nhật Hạ - 16:42, 29/07/2021

TheLEADERKhó khăn bủa vây trong tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, quyết định thành lập doanh nghiệp mới không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.

Do tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở Hà Nội, TP.HCM và 18 tỉnh thành phố phía Nam theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 23% so với tháng trước và giảm 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này cũng giảm tương ứng 25% và giảm 49%.

Doanh nghiệp thành lập mới giảm sâu về bằng tháng nghỉ Tết

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng nhẹ 0,8% và số vốn tăng 13,8%, theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê.

Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này là 555,5 nghìn lao động, giảm 7,2%.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 13%.

Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng dồn với 29,6 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước), tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay nâng lên hơn 100 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15 nghìn doanh nghiệp.

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng qua có 1.260 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thành lập mới, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước; gần 21 nghìn doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, giảm 6,6%; 54 nghìn doanh nghiệp dịch vụ, tăng 44%.

Theo lĩnh vực hoạt động, kinh doanh bất động sản đang gia tăng nhanh nhất số doanh nghiệp thành lập mới với 34%. Vận tải kho bãi theo sau tăng 16%; thông tin và truyền thông tăng 12,4%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12%. Các lĩnh vực khác tăng dưới 10%.

Cùng với đó, 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, bao gồm sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 64%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 11%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 11%; xây dựng giảm 4%.

Mặt khác, 7 tháng qua có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 29%.

Còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 11,4 nghìn, tăng 27%, trong đó có gần 10 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 27%; còn 131 doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng, giảm 5%.

Theo đó, kể từ đầu năm, trung bình mỗi tháng có 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.200 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.300 doanh nghiệp; xây dựng có 1.000 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 690 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 650 doanh nghiệp; các lĩnh vực còn lại đều có dưới 600 doanh nghiệp.

“Đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong khi đó, đợt dịch Covid-19 thứ 4 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Môi trường kinh doanh thực sự khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp trẻ và có quy mô vừa và nhỏ.

Riêng việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực, quy định về danh mục hàng hóa thiết yếu hay xin áp dụng ‘luồng xanh’ ở mỗi tỉnh khác nhau, không đồng bộ đã khiến nhiều doanh nghiệp ‘đau đầu’ vì gánh thêm chi phí và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.

Mới đây, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã ‘cầu cứu’ Chính phủ và cho biết rất nhiều doanh nghiệp hội viên ‘đã đến giới hạn của sức chịu đựng” trong bối cảnh khó khăn bủa vây.