Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp trẻ kiệt sức, 'cầu cứu' Chính phủ

Nhật Hạ - 11:45, 08/07/2021

TheLEADERTrong bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết “đã đến giới hạn của sức chịu đựng”.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp trẻ kiệt sức, 'cầu cứu' Chính phủ
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Ảnh: ILO

TP.HCM sẽ bắt đầu giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. TP. Long An hôm nay cũng đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 15, riêng TP. Tân An và bốn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc nâng mức giãn cách lên Chỉ thị 16. Tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành vẫn đang hết sức phức tạp.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 8/7, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, Việt Nam ghi nhận 19.873 ca, ở 56 tỉnh thành, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 8.385 ca.

Do đó, nhiều tỉnh thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đã áp dụng giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 với thời hạn hiệu lực khác nhau từ 3 – 7 ngày như ‘giấy thông hành’ đối với những người muốn vào tỉnh, thành phố đó.

Việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực ở mỗi tỉnh khác nhau, không đồng bộ khiến nhiều doanh nghiệp ‘đau đầu’ vì gánh thêm chi phí và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.

Trong bối cảnh trên cùng với việc đã trải qua 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát trước đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đa số doanh nghiệp hội viên trong hơn 1,5 năm vừa qua đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Được biết, 98% hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp, với nền tảng tích lũy phần lớn chưa nhiều.

Trong khi đó, theo báo cáo vào cuối tháng 3/2021 – thời điểm chưa bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 4 - của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), sau khi khảo sát 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.

Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết “đã đến giới hạn của sức chịu đựng”.

Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Theo quy định, nếu chậm trả gốc và lãi, ngoài việc phải chịu trả lãi suất trả chậm và phí phạt trả chậm đối với khoản vay, doanh nghiệp còn bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

Như vậy khó khăn sẽ càng chồng chất đối với doanh nghiệp. Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nếu tình hình khó khăn tiếp tục thì chắc chắn sẽ sớm đẩy đa số doanh nghiệp này vào tình trạng phá sản, người lao động sẽ mất việc làm hàng loạt, dẫn đến mất ổn định trật tự xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, làn sóng Covid-19 thứ 4 đã tác động tiêu cực tới 12,8 triệu lao động gồm mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trước những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra 6 kiến nghị gửi đến Chính phủ:

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Thứ hai, giảm lãi suất đồng loạt mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Thứ ba, hiện nay dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. 

Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 đến 2%/1 năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021). Hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.

Thứ tư, giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng (chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản…) cũng áp dụng cho 12 tháng từ tháng 7/2021.

Thứ năm, không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỷ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Thứ sáu, thành lập Ban nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và đồng tiền kỹ thuật số theo tinh thần Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tham gia vào ban này nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.