Doanh nghiệp tốn 63,3 triệu đồng cho thủ tục hành chính về môi trường năm 2020

Nhật Hạ - 20:05, 17/03/2021

TheLEADERDoanh nghiệp mất trung bình khoảng 63,3 triệu đồng mỗi lần làm thủ tục hành chính về môi trường trong năm 2020

Doanh nghiệp tốn 63,3 triệu đồng cho thủ tục hành chính về môi trường năm 2020
Môi trường là lĩnh vực doanh nghiệp mất nhiều chi phí nhất cho thủ tục hành chính.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng sáng nay vừa công bố báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để làm thủ tục hành chính (APCI) 2020 trên cơ sở phân tích và khảo sát doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành.

Chỉ số APCI gồm 2 chỉ số thành phần gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp.

Trong đó, chi phí thời gian tính kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu về thủ tục hành chính cho đến khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục theo quy định hiện hành. Còn chi phí trực tiếp là chi phí doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp mất 63,3 triệu đồng cho thủ tục hành chính về môi trường

Trong 9 nhóm thủ tục hành chính được khảo sát năm 2020, môi trường là lĩnh vực doanh nghiệp mất nhiều chi phí nhất với trên 63,3 triệu đồng.

Cụ thể, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ và 3,1 triệu đồng để thực hiện thủ tục hành chính. Cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói các thủ tục liên quan đến môi trường, đặc biệt là thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Báo cáo cho rằng nhóm thủ tục hành chính môi trường đã được cải thiện so với năm 2019, nhưng các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm này chưa phải thực chất. Báo cáo APCI 2019, môi trường cũng có chi phí làm thủ tục hành chính cao nhất với 45,4 triệu đồng, bao gồm 20,4 giờ và 4,3 triệu đồng. Xu hướng thời gian thưc hiện các thủ tục về môi trường tăng qua các năm.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, chi phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí tuân thủ của nhóm môi trường. Với yêu cầu ngày càng chặt chẽ về bảo vệ môi trường, rất ít doanh nghiệp có đủ điều kiện về nhân lực, cũng như chuyên môn để có thể tự lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Do vậy việc sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp là cần thiết đối với doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhóm thủ tục hành chính về môi trường tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp nhất.

Nhóm có chi phí làm thủ tục hành chính cao thứ hai là xây dựng, khi doanh nghiệp phải mất 21,2 giờ và 4,7 triệu đồng cho chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, thẩm định, lệ phí cấp phép xây dựng, một phần chi phí không chính thức.

Với thuế, ngành này có chi phí thấp nhất với 267 nghìn đồng khi đã áp dụng xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức cá nhân; thay đổi phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đây cũng là nhóm đứng đầu mức độ cải thiện điểm APCI 2020 so với năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/ thủ tục hành chính.

Đến tháng 11/2019, theo Tổng cục Thuế, gần 100% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% nộp thuế điện tử; 93,6% hoàn thuế điện tử. Trung bình, mỗi doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng cho mỗi lần làm thủ tục thuế. Trong khi đó, năm ngoái chi phí tương ứng là 4,7 giờ và 100.000 đồng.

5 khuyến nghị cải cách được đưa ra từ APCI 2020 gồm đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới phương thức, công bố, công khai TTHC; nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính; nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.

Phát biểu tại buổi công bố APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, các bộ, ngành đã cải cách rất nhiều nhưng dư địa để giảm thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn.

Do đó, ông đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính chính thức và không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh, gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc cho người dân, ông Dũng nhấn mạnh.