Doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động ứng phó thuế carbon

Phạm Sơn - 15:39, 31/07/2023

TheLEADERNhóm doanh nghiệp xuất khẩu một số loại hàng hóa vào EU có thể sẽ phải đóng thêm phí carbon theo cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động ứng phó thuế carbon
Thép là một trong số sáu nhóm sản phẩm chịu điều chỉnh của CBAM từ năm 2026. Ảnh: Hoàng Anh.

Chi 30% vốn đầu tư cố định cho các hạng mục môi trường tại khu liên hợp sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi, Tập đoàn Hòa Phát là đơn vị tiên phong trong ngành thép thực hiện thu hồi khí thải, tái sử dụng nhiệt, tự cung ứng năng lượng xanh.

Chiến lược này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn là yêu cầu bắt buộc của nhiều đối tác quốc tế. Đặc biệt, khi cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) có hiệu lực chính thức kể từ năm 2026, thép là một trong sáu sản phẩm phải chịu mức thuế carbon chênh lệch đầu tiên.

Hỗ trợ các khách hàng trước thềm kiểm kê bắt buộc khí thải nhà kính trên mỗi sản phẩm theo cơ chế CBAM cũng là một trong những lý do để Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng thực hiện các bước chuyển đổi xanh.

Ông Phan Tuấn Hoàng, đại diện Ban quản lý VSIP Hải Phòng, cho biết, khu công nghiệp đặt mục tiêu giảm nhẹ khí thải ở tất cả các nguồn từ trực tiếp đến gián tiếp, thông qua ứng dụng kinh tế tuần hoàn, lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo, phủ cây xanh tối đa diện tích…

Theo công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, việc đánh thuế carbon bổ sung theo cơ chế CBAM sẽ làm kim ngạch của bốn nhóm hàng Việt Nam xuất sang châu Âu, bao gồm sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón, giảm khoảng 100 triệu USD. Mức giảm này không quá cao bởi các sản phẩm trên không phải sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU. Mặt khác, nhà nhập khẩu sẽ phải đóng thuế carbon chênh lệch, do đó mức chi phí tăng thêm còn phụ thuộc vào việc đàm phán giữa doanh nghiệp Việt với nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo TS. Hà Huy Tuấn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp không nên chủ quan trước việc ứng phó với CBAM. Bởi lẽ, sau khi CBAM chính thức được áp dụng, nhiều thị trường lớn khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc đều có thể sẽ ban hành chính sách tương tự.

“Xu thế chống biến đổi khí hậu đã trở thành định hướng chủ đạo trên toàn cầu và CBAM chỉ là một chính sách nằm trong xu thế tổng thể đó”, ông Tuấn nói với cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo EU CBAM và lộ trình trung hòa carbon Việt Nam do Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh đó, phạm vi các sản phẩm chịu điều chỉnh của CBAM sẽ không ngừng mở rộng, theo kế hoạch là đến năm 2034 sẽ áp dụng cho hầu như toàn bộ sản phẩm thuộc Hệ thống thương mại khí thải EU. Điều đó có nghĩa là những sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU như dệt may, thủy sản, nông sản, hàng điện tử, đều có nguy cơ bị đánh thuế carbon chênh lệch trong tương lai.

Những sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU như dệt may, thủy sản, nông sản, hàng điện tử… đều có nguy cơ bị đánh thuế carbon chênh lệch trong tương lai.

Cho đến nay, các quy định chi tiết của CBAM vẫn chưa được công bố nhưng ông Tuấn khẳng định, chắc chắn rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chi thêm tiền đóng thuế carbon, bởi Việt Nam hầu như chưa có loại thuế nào tương tự để “bù trừ”. Sự mơ hồ này cũng đặt ra rủi ro rất lớn, bắt buộc doanh nghiệp và Nhà nước phải chuẩn bị thật kỹ các phương án kiểm kê và giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính.

Để ứng phó hiệu quả với CBAM, ông Tuấn đề xuất, cần phải xây dựng chiến lược và giải pháp giảm phát thải tổng thể cho nền kinh tế. Bởi lẽ, phát thải của mỗi sản phẩm đến từ tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, đòi hỏi giải pháp giảm nhẹ cường độ khí thải mang tính liên ngành.

Thu thuế, phí carbon đối với doanh nghiệp cũng là một chính sách có thể được cân nhắc để vừa tạo động lực cho doanh nghiệp giảm nhẹ cường độ phát thải, vừa tránh bị thất thu phần thuế chênh lệch. 

Nguyên lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gợi ý, chính sách này cần được đặt vào chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, có thể mở rộng ra áp dụng cho cả nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là những lĩnh vực gây ra nhiều phát thải nhưng có tiềm năng xanh hóa cao.

CBAM tác động trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải chủ động kiểm kê và cắt giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, quá trình ấy rất cần có sự hỗ trợ và đồng hành chặt chẽ từ phía Nhà nước để đạt được hiệu quả cao.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực tự xanh hóa chuỗi cung ứng, ông Tuấn lưu ý, thương mại quốc tế vẫn chịu sự điều chỉnh của các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Do đó, trong quá trình thực thi CBAM hay các chính sách tương tự, nếu cảm thấy có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc WTO, cạnh tranh thiếu công bằng, gây thiệt hại lợi ích hợp pháp, doanh nghiệp cần kịp thời lên tiếng để cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ kịp thời.