Doanh thu tài chính đột biến cứu lại lợi nhuận cho VNPT và Mobifone

Lam Giang - 10:44, 27/08/2019

TheLEADERKết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của VNPT và Mobifone trở nên tích cực hơn nhờ các khoản thu nhập từ thoái vốn và lãi đầu tư tài chính.

Doanh thu tài chính đột biến cứu lại lợi nhuận cho VNPT và Mobifone
Mobifone đã thoái vốn thành công khỏi TPBank thu về hơn 153 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 mới được công bố của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty viễn thông Mobifone (Mobifone) cho thấy lợi nhuận gộp đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, cả hai đều có doanh thu tài chính tăng đột biến so với nửa đầu năm ngoái.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng của VNPT, trong 6 tháng đầu năm 2019, tập đoàn này có doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 21.012 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 2.632 tỷ đồng, giảm tới 16,5%.

Bù lại, VNPT có doanh thu tài chính đạt 1.122 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2018. Khoản thu nhập tài chính đột biến này cùng với hơn 230 tỷ đồng lợi nhuận khác giúp lợi nhuận trước thuế công ty đạt hơn 2.404 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Mobifone, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 15.168 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm 3,9% xuống còn 4.636 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, lợi nhuận thuần của Mobifone vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.597 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ doanh thu tài chính tăng đột biến lên 535 tỷ đồng từ mức 110 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.

Doanh thu tài chính của hai đại gia viễn thông chủ yếu đến từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó hầu hết là tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Phần còn lại đến từ các khoản đầu tư vốn cổ phần, tuy nhiên, khoản này không đáng kể và hầu như không có đột biến nếu doanh nghiệp không thực hiện thoái vốn.

Theo báo cáo tài chính của VNPT, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Tập đoàn tính đến 30/6/2019 là 30.132 tỷ đồng; đầu tư dài hạn là 6.079 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản này chiếm gần một nửa tổng tài sản của VNPT.

Còn với Mobifone, cùng thời điểm, công ty có 11.678 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và 66,6 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.

Liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn của hai công ty viễn thông nhà nước, mặc dù được yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ nhiều năm nay, song hầu như giậm chân tại chỗ, ngoại trừ việc Mobifone mới thoái thành công vốn tại TPBank.

Hiện tại, VNPT đang nắm giữ khoảng 6,09% cổ phần tại MSB, tương ứng 71 triệu cổ phần MSB. Tập đoàn này đã ít nhất 3 lần công bố bán đấu giá toàn bộ số cổ phần này nhưng đều thất bại do không có người mua.

Cổ phiếu MSB hiện chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán được xem là một trong những nguyên nhân khiến VNPT gặp khó với kế hoạch thoái vốn tại ngân hàng này. Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu MSB với mức giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phiếu, song chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký mua 1.800 cổ phiếu.

Trong khi đó, Mobifone sau 3 lần đấu giá bán, cuối cùng đã thoái thành công 7,11 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng Tiên phong trong khoảng thời gian từ 11/4 đến ngày 1/5. Dựa trên mức giá khởi điểm 21.350 đồng, ước tính Mobifone đã thu về hơn 153 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với giá vốn được ghi nhận khoảng 49 tỷ đồng.

Việc cổ phiếu TPB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ tháng 4/2018 cộng với kết quả và triển vọng kinh doanh tươi sáng của ngân hàng từ sau khi triển khai chiến lược ngân hàng số được xem là nguyên nhân giúp Mobifone thoái vốn thành công khỏi TPBank.

Mobifone hiện vẫn còn nắm giữ cổ phiếu của một ngân hàng khác là SeaBank và cũng đang trong quá trình chào bán khoản đầu tư ngoài ngành này.