Đồng bằng sông Cửu Long có thể là điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 09:40, 17/09/2021

TheLEADERNgân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, biến đổi khí hậu sẽ đẩy 216 triệu người vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050 nếu không có những biện pháp khẩn cấp.

Đồng bằng sông Cửu Long có thể là điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống bà con miền Tây. Ảnh: Báo Dân sinh.

Nước biển dâng cao khiến cho lượng nước ngọt trở nên khan hiếm, sản xuất nông nghiệp bị giảm năng suất, cộng với những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể sẽ khiến 216 triệu người phải rời khỏi nơi sinh sống vào năm 2050. Đây là dự báo được WB đưa ra trong báo cáo mới nhất.

Thông qua phương pháp mô hình hóa các tác động của biến đổi khí hậu, WB cho biết, các điểm nóng về di cư sẽ bắt đầu xuất hiện vào năm 2030 và trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2050.

Những khu vực có thu nhập thấp sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, khu vực châu Phi cận Sahara có khoảng 86 triệu người phải di cư vào năm 2050, Bắc Phi có 19 triệu người; 40 triệu người ở Nam Á và 49 triệu người ở Đông Á, Đông Nam Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam với đường bờ biển dài sẽ là một trong số những quốc gia thiệt hại nặng nhất. Báo cáo của WB dự báo, nước biển dâng tác động xấu tới canh tác nông nghiệp có thể biến đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm nóng về di cư.

Khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Trung Bộ cũng nằm trong vùng có rủi ro cao, chịu nhiều thiệt hại do bão lũ. Một nghiên cứu trước đó của WB cho biết, lũ lụt chiếm 97% thiệt hại từ thiên tai ở Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 là tác nhân khiến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đời sống và sinh kế con người trở nên sâu sắc hơn. Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD), đại dịch đã đẩy 80 triệu người châu Á rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2020.

Từ những dự báo trên, WB đưa ra lời kêu gọi các quốc gia cần có những hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải nhà kính, qua đó ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Mặt khác, những giải pháp về khôi phục sinh thái và phát triển kinh tế cũng đặc biệt quan trọng để duy trì sức chống chịu của cộng đồng dân cư trước diễn biến khó lường của khí hậu.

Tuy nhiên, ngay cả khi những hành động khẩn cấp nhất, khoảng 44 triệu người vẫn sẽ phải rời khỏi nơi sinh sống vì biến đổi khí hậu, theo kịch bản lạc quan nhất được WB đưa ra.

“Chúng ta đã bị “khóa chặt” vào một mức độ nóng lên nhất định và hiện tượng di cư do biến đổi khí hậu là một điều tất yếu”, bà Kanta Kumari Rigaud, chuyên gia môi trường của WB nhận xét.