Đồng Tâm đầu tư lớn vào Cảng Quốc tế Long An nhưng chưa có lãi

Trần Anh - 15:05, 03/12/2018

TheLEADERCông ty kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đồng Tâm đưa ra ý kiến ngoại trừ vì không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán hoạt động kinh doanh của Cảng Quốc tế Long An.

Ra đời từ năm 1969, gạch Đồng Tâm là thương hiệu vật liệu xây dựng lâu đời có tiếng tại Việt Nam. Đến nay, trải qua gần 50 năm phát triển, Công ty cổ phần Đông Tâm đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Người đứng đầu Đồng Tâm, ông Võ Quyết Thắng cũng là một doanh nhân có tiếng, và từng khá nổi bật trong vai trò ông bầu bóng đá.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2010 – 2012, Đồng Tâm rơi vào khủng hoảng khi thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trầm lắng, đi cùng chi phí lãi vay tăng vọt. Trong bối cảnh đó, Đồng Tâm đã phải tiến hành tái cơ cấu lại toàn bộ doanh nghiệp, rút chân ra nhiều lĩnh vực không hiệu quả như bất động sản để giảm bớt gánh nặng, tập trung cốt lõi vào mảng gạch men.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Đồng Tâm dần ổn định trở lại. Năm 2017, Đồng Tâm đạt doanh thu thuần 1.774 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.803 tỷ đồng năm 2016. Biên lợi nhuận gộp của công ty trong năm qua ở mức 29%, giảm so với 37,4% so với cùng kỳ. Bù lại, doanh thu từ hoạt động tài chính gia tăng giúp lợi nhuận của Đồng Tâm trong năm 2017 đạt 233 tỷ đồng, tương đương với năm trước đó

Năm 2018, Đồng Tâm cho thấy tham vọng không lớn khi đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng. Công ty đánh giá, 2018 sẽ là một năm nhiều thách thức cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, số lượng dự án bất động sản khởi công mới không nhiều nên sức cầu cũng ít đi, cùng với đó là cạnh tranh của hàng ngoại nhập ngày một gay gắt.

Mặt khác, Đồng Tâm hiện đang đẩy mạnh nguồn lực để đầu tư sang các lĩnh vực khác như cảng biển, khu công nghiệp. Một trong những dự án lớn nhất công ty đang đầu tư là Cảng Quốc tế Long An. Đây là dự án nằm trong tổng thể quy hoạch 1.935 ha gồm 4 dự án là Cảng Quốc tế Long An (147 ha), Khu công nghiệp Đông Nam Á (925 ha), Trung tâm dịch vụ logistics 9239 ha) cùng diện tích cây xanh, mặt nước 379 ha.

Đồng Tâm đầu tư lớn vào Cảng Quốc tế Long An nhưng chưa có lãi
Tàu Ocean Outback cập Cảng Quốc tế Long An

Cảng Quốc Tế Long An gồm 3 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư lên đến 9.000 tỷ đồng bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 50.000 DWT với tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn. Cảng Quốc Tế Long An dự kiến sẽ trở thành một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam khi hoàn thành vào năm 2023.

Giai đoạn 1 của dự án rộng 41ha gồm cầu cảng số 1 và cẩu trục 40 tấn đã đi vào hoạt động. Cầu cảng số 2 dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay có khản năng tiếp cận tàu 50.000 DWT.

Đồng Tâm hiện sở hữu 45% cổ phần của Công ty cổ phần Cảng Long An (đơn vị sở hữu Cảng Quốc tế Long An). Doanh nghiệp này có vốn điều lệ vốn điều lệ 1.125,8 tỷ đồng và khoản vốn góp của Đồng Tâm khoảng 500 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Cảng Quốc tế Long An vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa thể mang về lợi nhuận cho Đồng Tâm. Báo cáo của công ty cho biết, tính tới cuối năm 2017, giá trị khoản vốn góp của Đồng Tâm vào Công ty cổ phần Cảng Long An còn 423 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với vốn đầu tư. Điều này có nghĩa là Công ty Cảng Long An đang thua lỗ.

Với số vốn đầu tư lớn, giai đoạn 1 của dự án được cung cấp tài chính của Sacombank. Đổi lại toàn bộ quyền lợi, nguồn thu từ các hợp đồng khai thác Cảng Long An giai đoạn 1 được thế chấp tại ngân hàng này.

Trong khi đó nhiều máy móc thiết bị của Công ty quản lý và khai thác Cảng Quốc tế Long An được thế chấp tại Ngân hàng Kiên Long. Đây là ngân hàng ông Võ Quốc Thắng từng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ngoài khoản đầu tư vào Cảng Quốc tế Long An, Đồng Tâm còn góp vốn sở hữu 45% tại công ty Cổ phần Khu công nghiệp Long An, vốn điều lệ 285,92 tỷ đồng, tương đương khoản vốn góp 128,6 tỷ đồng. Năm 2017, giá trị của khoản vốn góp này đạt 140,8 tỷ đồng, cho thấy công ty đã có lãi. Công ty Đông Tâm cho biết kết quả kinh doanh của công ty KCN Long An đã được kiểm toán.

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán của Đồng Tâm là KPMG đã tuyên bố loại trừ các khoản đầu tư của Đồng Tâm vào 2 công ty trên ra khỏi báo cáo kiểm toán của công ty. Phía KPMG cho biết, khoản đầu tư của Đồng Tâm vào 2 công ty liên kết được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, do hạn chế của sổ sách, chứng từ kế toán, KPMG không thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán cho kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017.

Văn bản giải trình của Đồng Tâm cho biết Công ty cổ phần Cảng Long An vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư, và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm kỹ thuật nên các cổ đông của công ty này nhận thấy chưa cần thiết phải thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính. Do đó, các cổ đông của Công ty cổ phần Cảng Long An quyết định tập trung kiểm toán chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, theo kế hoạch thì sẽ kiểm toán khi dự án chính thức đi vào hoạt động.