Du lịch thể thao sẽ là dòng sản phẩm hút khách tiếp theo của Việt Nam

Nhã Nam - 17:36, 06/06/2019

TheLEADERTrong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có những sản phẩm du lịch thể thao, như giải đua xe Công thức 1 được tổ chức vào năm 2020. Đây là một dòng sản phẩm có thể thu hút nhiều khách Việt Nam và quốc tế.

Du lịch thể thao sẽ là dòng sản phẩm hút khách tiếp theo của Việt Nam
Năm sau sẽ có giải đua xe Công thức 1 được tổ chức tại Việt Nam.

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu 4 điểm nghẽn lớn của ngành du lịch hiện nay.

Thứ nhất là về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng sân bay hiện đang quá tải, không có chỗ đỗ máy bay, khách đến sân bay phải đợi lâu để làm thủ tục. Nếu lượng khách tăng khoảng 20 – 30% thì khó đáp ứng được.

Điểm nghẽn thứ hai là vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. 

Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá du lịch Việt Nam đứng thứ 67/136 nền kinh tế, trong đó xếp hạng khá cao thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch ở Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề thị thực chỉ xếp thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá, thấp nhất trong các nước ASEAN, đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (vị trí 21).

Thứ ba, liên quan đến xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí cho lĩnh vực này, trong khi Thái Lan, Indonesia chi gần 100 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng tại nước ngoài.

Cuối cùng là thiếu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Phần lớn nhân sự để quản lý khách sạn 4 - 5 sao đều phải thuê người nước ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.

"Hôm qua có đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn hay không? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", Bộ trưởng Thiện trả lời.

Ông cũng cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên "đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế".

Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.

Du lịch thể thao là dòng sản phẩm hút khách tiếp theo của Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn.

Về vấn đề phát triển du lịch bền vững, theo Bộ trưởng Thiện, hiện nay, quá trình phát triển nóng của ngành du lịch Việt thời gian qua đã kéo theo những vấn đề về an ninh, an toàn bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và di sản. Những điều này đều cần giải quyết. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chỉ thị (Chỉ thị 14 và Chỉ thị 18) về tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch tăng cường quản lý điểm đến du lịch sẽ giải quyết được những vấn đề trên trong thời gian tới. 

Giải pháp then chốt là phải thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại nguồn khách, dòng khách, đặc biệt là khách du lịch chất lượng cao lưu trú lâu ngày và đề cao vai trò của du lịch địa phương.

Ông Thiện cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch kết hợp hệ thống hóa, tri thức Việt số hóa như xây dựng bản đồ số của du lịch Việt Nam; phát triển các ứng dụng về quản lý hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú, thống kê du lịch; phát triển du lịch thông minh, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn du lịch tự động; tổ chức các cuộc thi doanh nghiệp sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý kinh doanh, hướng dẫn, quảng bá, xúc tiến, marketing…

Đối với sản phẩm du lịch Việt Nam, ông Thiện cho hay cần đa dạng hóa và có sản phẩm đặc thù. Hiện Việt Nam đã có 4 dòng sản phẩm chính gồm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng (đây là dòng sản phẩm quan trọng); du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị.

"Sắp tới, chúng ta sẽ sản phẩm du lịch thể thao, sang năm sẽ có giải đua xe Công thức 1 (F1). Đây là dòng sản phẩm có thể thu hút nhiều du khách. Chắc chắn du lịch về thể thao sẽ là một trong những sản phẩm du lịch của Việt Nam trong tương lai", Bộ trưởng Thiện khẳng định.