Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang đi vào vết xe đổ?

Phương Linh - 10:44, 24/09/2021

TheLEADERCác liên minh, tổ chức cảnh báo dự thảo Quy hoạch điện VIII có nguy cơ cao lặp lại bài học thất bại từ Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Theo đánh giá mới nhất, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII gần nhất được Bộ Công thương đưa ra ngày 5/9/2021 thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” so với bản dự thảo tháng 3/2021 khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000MW điện tái tạo vào năm 2030.

Như vậy, trong 10 năm tới, công suất điện than mới sẽ tăng thêm gần 20.000MW, trong khi đó điện mặt trời chỉ tăng thêm khoảng 2.000MW, và không phát triển điện gió ngoài khơi.

Đánh giá này được đưa ra trong bản tuyên bố mới nhất của 10 liên minh, tổ chức – đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu.

Các liên minh, tổ chức này nhận định dự thảo Quy hoạch điện VIII tồn tại 5 vấn đề lớn cần có sự thay đổi.

Thứ nhất, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này chưa phản ánh được và có phần đi ngược lại với chủ trương lớn đã nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng của quốc gia.

Trong đó, nghị quyết yêu cầu “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.

Dự thảo lần này cũng cho thấy định hướng khác với các phát ngôn của những người đứng đầu như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm và làm việc tại châu Âu vừa qua, hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng tại các diễn đàn quốc tế.

Thứ hai, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này vạch ra lộ trình phát triển điện đi ngược xu thế của thế giới.

Việc tiếp tục phát triển mạnh điện than mới trong 10 năm tới đặt Việt Nam vào nhóm số ít các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang đi vào vết xe đổ?
Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng và đầu tư nhiều vào năng lượng sạch.

10 tổ chức, liên minh đồng ý kiến cho rằng hạn chế phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam tụt hậu xa so với sự tiến bộ khoa học công nghệ năng lượng của thế giới.

Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của năng lượng tái tạo, dự thảo Quy hoạch điện VIII lại chọn phương án kiềm chế năng lượng tái tạo và chưa có lộ trình thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ này.

Sự phát triển của công nghệ năng lượng đang diễn ra rất nhanh, rất cần một tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo và những bước đi đột phá về chính sách để đón bắt cơ hội mới.

“Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện tại không thể hiện được điều này, và đang lặp lại bài học thất bại của Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh khi cách đây 5 năm không dự báo đúng sự phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới, gây ra những bất cập như hiện nay”, tuyên bố nêu rõ.

Thứ ba, bản dự thảo mới được đánh giá dựa vào quá nhiều yếu tố bất định và không quan tâm đến góc nhìn kinh tế - tài chính, theo đó các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai.

Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã.

Không chỉ vậy, với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế các-bon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh.

Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các-bon mà họ cam kết.

Bên cạnh đó, bài học từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính.

Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ, và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính, hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch.

Điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.

“Bản dự thảo hiện tại chưa rà soát toàn diện những khía cạnh nêu trên mà chỉ xem xét ở phạm vi của hệ thống điện”, các liên minh, tổ chức nhận định.

Thứ tư, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới không tính đến hậu quả sẽ để lại cho thế hệ tương lai.

Các nhà máy điện than được quy hoạch xây dựng từ nay tới 2035 sẽ vận hành trong vòng 30 – 60 năm nữa, trong khi thế giới đang đoạn tuyệt điện than và bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch.

Thứ năm, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới mâu thuẫn với mục tiêu sức khỏe sinh thái, an toàn môi sinh trong phát triển chính sách can thiệp cộng đồng, cơ sở cho phòng chống dịch bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm trong những năm tới đây ở Việt Nam và trên thế giới.

Càng tăng sản lượng điện từ than và nguồn gốc dầu mỏ khác, càng duy trì tình trạng ô nhiễm không khí – nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh có nguy cơ tử vong cao.