Đua thuyền buồm và cơ hội kinh doanh

00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhân Giải đua thuyền buồm quốc tế đang diễn ra trên biển của Di sản thế giới Hội An, Ống kính TheLEADER điểm lại các cuộc đua thuyền buồm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian gần đây qua các hình ảnh đẹp được phóng viên ảnh của các báo trong nước thực hiện, qua đó thấy được tiềm năng mới cho phát triển kinh tế biển.

Đua thuyền buồm và cơ hội kinh doanh
Đua thuyền buốm quốc tế trên bãi biển Hội An (ảnh: VOV )

1. Chiều 11/6, tại bãi biển An Bàng (TP Hội An, Quảng Nam) đã diễn ra lễ khai mạc Giải lướt ván buồm RS: ONE vô địch thế giới năm 2017 và giải Sailing Việt Nam mở rộng năm 2017, tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với sự góp mặt và tham dự của trên 150 VĐV đến từ 25 quốc gia trên thế giới.

Đây là sự kiện do Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Lướt ván buồm quốc tế (IWA) tổ chức từ 11-14/6/2017, và nằm trong chuỗi các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI 2017.


Đua thuyền buồm và cơ hội kinh doanh 1
Đua thuyền buồm trên biển Phan Thiết - Bình Thuận (ảnh: Báo BT)

2.- Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup năm 2017 diễn ra từ 17 - 18/2/2017, do Câu lạc bộ Jibe’s phối hợp với Sở Văn hóa thể thao du lịch Bình Thuận tổ chức có sự tham gia của 28 vận động viên (3 vận động viên nữ) đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nga, Đức, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Việt Nam…

Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm tạo ra sân chơi cho du khách, vận động viên trong và ngoài nước khi đến với thành phố biển Phan Thiết. Giải còn là cơ hội để các vận động viên Việt Nam cọ xát với các vận động viên quốc tế từ đó giúp Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung xuất hiện trên bản đồ lướt ván buồm chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế.

Đua thuyền buồm và cơ hội kinh doanh 2
Đua thuyền buồm quốc tế ở Phú Quốc (ảnh: Zing)

3. Giải đua thuyền buồm tỉnh Kiên Giang mở rộng – Phú Quốc lần I-2016 đã diễn ra trong 2 ngày 5và 6/5/2016 tại bãi biển Dinh Cậu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Có 27 đội, với 54 vận động viên trong và ngoài nước tham dự, trong đó có 3 đội nước ngoài và 3 đội của tỉnh Kiên Giang.

Ban tổ chức giải đua cũng hi vọng giải đấu sẽ góp phần đưa bộ môn thuyền buồm trở nên phổ biến hơn tại Kiên Giang, từ đó khuyến khích phong trào tập luyện bộ môn này tại các tỉnh, thành có biển.

Ông Võ Đồng Lập PGĐ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Kiên Giang cho biết: “Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển. Nếu chúng ta tận dụng được thế mạnh này để phát triển bộ môn thuyền buồm, không những giúp bộ môn thể thao này trở nên phổ biến hơn, mà còn mở ra cơ hội khai thác du lịch thuyền buồm.”


Đua thuyền buồm và cơ hội kinh doanh 3
Đua thuyền buồm trên bãi biển Vũng Tàu (ảnh: TTVN)

4. Trong dịp Giáng sinh 2016, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Giải đua thuyền buồm quốc tế tranh cúp Vũng Tàu Marina lần thứ nhất, thu hút sự tham dự của gần 90 VĐV đến từ 30 đoàn trong cả nước.

Giải đua do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc. Toàn bộ số thuyền đua là loại thuyền buồm hai thân Catamaran được làm bằng vật liệu PPC do CTCP Công nghệ Việt - Séc sản xuất.

Việc tổ chức thành công Giải đua thuyền buồm Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng lần thứ nhất đã tạo tiền đề để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng và phát triển bộ môn thể thao thuyền buồm và định hình một sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, thu hút du khách và có cơ hội giới thiệu sản phẩm du lịch biển tiềm năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, nhiều vũng, vịnh và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ được đánh giá rất nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, kinh tế biển...; trong đó có dịch vụ kinh doanh thuyền buồm phục vụ du lịch, nhưng hiện nay hầu như chưa phát triển và người dân Việt Nam còn khá xa lạ với bộ môn này.

Môn thể thao thuyền buồm phát triển sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, đời sống của ngư dân ven bờ và hải đảo sẽ có thêm nguồn thu nhập, thêm công việc mới; và đi cùng là ý thức bảo vệ môi trường biển của cộng đồng được nâng cao.

Bên cạnh đó, khi bộ môn đua thuyền buồm phát triển sẽ kéo theo các lĩnh vực sản xuất, chế tạo và dịch vụ hỗ trợ cho thuyền buồm cùng phát triển.