Đường đến trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực

Việt Hưng - 16:50, 10/05/2023

TheLEADERChính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới.

Trong cuộc đua AI, nhân lực được xem là con át chủ bài. Không chỉ các công ty Việt Nam, mà cả các tập đoàn quốc tế và những công ty hàng đầu thế giới làm về AI cũng muốn tận dụng lực lượng tinh hoa này.

Tuy nhiên, cuộc chiến nhân tài đã hút lượng đáng kể nguồn nhân lực AI còn mỏng của Việt Nam, trong khi việc đào tạo nhân lực ngành AI chuyên nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. 

Dù các trường đại học đã và đang tăng tốc, thậm chí ký được thỏa thuận hợp tác với những đối tác công nghệ lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc,…. để mở ra các trung tâm nghiên cứu AI quốc tế tại Việt Nam, thì tốc độ và chất lượng đào tạo cũng được đánh giá là "khó theo kịp nhu cầu".

Ngay cả đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, vốn được coi là "vòng ngoài" cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ số mới, cũng đang thiếu hụt khoảng 20.000 người mỗi năm. Theo báo cáo của Nexus FrontierTech, nguồn nhân lực AI của Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường.

Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, GS Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI, nhìn nhận điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Việt Nam cũng đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng sáng chế AI.

Đường đến trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực
GS Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Torus AI

Tuy nhiên, đầu tư cho AI tại Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức như hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi. Dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa.

Ngoài ra, vì nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Việt Nam hiện đang ưu tiên cho những vấn đề trước mắt và cấp bách như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ, giảm nghèo...

Để giải quyết các khó khăn hiện nay, GS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng Việt Nam phải tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái AI như: điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, hệ thống luật lệ, chính sách...

Đồng thời, cần chọn lựa những lĩnh vực đầu tư có lợi thế, ít rào cản góp phần tăng giá trị thặng dư. Với những lĩnh vực còn yếu, cần nâng cao qua quá trình học hỏi, hợp tác hay nhập khẩu công nghệ.

Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, việc phát triển đầu tư cho AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, chuyển bớt việc cho máy móc. Đơn cử, sự xuất hiện của ChatGPT, công cụ có thể làm thơ, viết luận, lập trình, dịch thuật... đã hỗ trợ con người trong hầu hết lĩnh vực đời sống.

Đánh giá nền kinh tế AI hứa hẹn mang lại một xã hội thịnh vượng và tiện lợi hơn cho con người, vị chuyên gia cho rằng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người.

"Nếu AI bắt chước con người, chúng ta lại tiếp tục sáng tạo, thay đổi, đổi mới. Có như vậy, AI sẽ không thể theo kịp con người. Nhưng điều này cũng đòi hỏi mỗi người phải có nền tảng kiến thức vững chắc và không ngần ngại thay đổi", ông nói.

Đường đến trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực 1
Việt Nam đặt mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới.

Nhưng không phải đến khi ban hành Chiến lược AI, các doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước ang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới.

FPT đã đầu tư cho những nghiên cứu liên quan tới AI từ năm 2013. Đến nay, Tập đoàn này đã hình thành được một hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp và nền tảng giúp doanh nghiệp khác tối ưu hóa hoạt động và cải thiện hiệu suất, phục vụ hàng chục triệu người dùng thiết bị đầu cuối.

Tương tự, VNPT đang đẩy mạnh phát triển những công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Bắt tay với các địa phương, VNPT đã triển khai trên 30 trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC) ở các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, trong đó nhiều trung tâm đã đưa vào vận hành.

Những tập đoàn công nghệ khác như Viettel, Vingroup… cũng đang mạnh tay bỏ tiền vào nghiên cứu và phát triển AI. Để nâng cao năng lực nghiên cứu, Viettel và Vingroup đã tiên phong đầu tư vào công nghệ siêu máy tính với khả năng thực hiện trên 20 triệu tỉ phép tính/giây nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong tính toán.

Trong khi Vingroup hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái, Viettel đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao.

Với việc đưa ra nền tảng Viettel AI Open Platform vào vận hành, Viettel đang cung cấp một loạt công cụ giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tích hợp, thông minh hóa các ứng dụng của mình.