Duyên gốm

Nhà sưu tập gốm Nguyễn Văn Dòng (*) - 15:45, 16/02/2021

TheLEADERKhi bận rộn với công việc sản xuất kinh doanh cùng bao nỗi lo toan và áp lực nặng nề, gốm đã mang lại cho tôi những không gian và thời khắc thư giãn để lấy lại sức lực, lấy lại sự tự tin, sự an nhiên, thanh thản… để trở lại công việc với một nguồn năng lượng mới, được tiếp sức từ truyền thống và di sản cha ông.

Duyên gốm
Gốm Việt Nam đang hiện diện ở các bảo tàng lớn thuộc các quốc gia phát triển trên thế giới.

Duyên lành

“Duyên cớ nào mà anh lại gia nhập giới sưu tập gốm cổ Việt Nam và lại đam mê đến thế?”. Đó là câu hỏi tôi thường nhận được gần đây từ bạn bè đồng nghiệp, những nhà sưu tập và nghiên cứu cổ vật.

Quả là một cái duyên! Thời học sinh, sinh viên tôi đã từng có cái thú sưu tập những tấm bưu thiếp, khi đi nước ngoài tôi cũng giữ lại, gom góp những đồng tiền xu của các quốc gia tôi đã đi qua như những vật kỷ niệm là chính chứ không phải là sưu tập và nghiên cứu. Hồi xây căn nhà mới cách đây hơn 20 năm, tôi chủ tâm trang trí ngôi nhà của mình bằng những bức tranh của một số họa sĩ đương đại Việt Nam, những bình gốm Bát Tràng giả cổ, những chiếc đĩa gốm từ một cuộc triển lãm, những bức tượng nhỏ của nhà điêu khắc Cầu Thư Công - bố vợ tôi. Ngôi nhà với một không gian nghệ thuật đó đã mang lại những khoảnh khắc thư giãn thực sự mỗi khi trở về nhà từ những bộn bề công việc và lo toan cho công việc kinh doanh ở công ty.

Công ty tôi vốn thuộc ngành in ấn, xuất bản, hàng ngày tôi được tiếp cận với các tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng đúng với sở thích của tôi. Thế rồi, một ngày có một nhà khảo cổ bay từ Hà Nội vào gặp tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được in một cuốn sách khảo cứu về gốm cũng là đề tài luận án tiến sĩ của ông.

Duyên gốm

Vốn yêu thích gốm, tôi nhận lời chăm sóc thật kỹ cuốn sách đầy ắp hình ảnh gốm cổ Việt Nam mà tôi chưa từng thấy. Tôi càng ngạc nhiên khi tác giả in giá bìa là 120 USD mà ngay khi in xong, đại lý sách của nước ngoài đã đặt mua 400 cuốn. Gặp tác giả, thắc mắc về điều này, ông cho tôi xem một cuốn sách khác có tên “Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt” của hai nhà nghiên cứu khảo cổ nước ngoài có tên John Stevenson và John Guy có giá bán là 125 USD, được in rất đẹp tại Singapore và đã được tái bản nhiều lần.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông còn tặng cho tôi một số cuốn sách xuất bản tại Nhật Bản, Philippines, Mỹ, Pháp, Anh, Bỉ viết về gốm cổ Việt Nam. Những hiện vật được in trong đó đã làm tôi choáng ngợp về sự độc đáo và vẻ đẹp tuyệt mỹ mà ngay trong các bảo tàng trong nước không có.

Thế là tôi bị “dính”, bị hút hồn. Tôi hỏi ông: Thế bây giờ ở Việt Nam có còn nhiều gốm cổ đẹp và quý hiếm như vậy không? Ông bảo còn chứ, người Việt ít ai quan tâm nên người nước ngoài đã dần mang đi lén lút và lọt vào các bộ sưu tập gốm Việt ở các bảo tàng nước ngoài và tư nhân. Còn giá cả? Ông bảo cũng không quá đắt, người Việt ít quan tâm, các bảo tàng thì thiếu ngân sách nên gốm cổ Việt Nam chảy ra nước ngoài ồ ạt với giá khá “bèo”.

Thế là tôi quyết định dấn thân vào cuộc chơi, dẹp bớt các chuyện khác dù khá sinh lời. Từ đó tôi lặn lội, gặp gỡ các nhà buôn, các nhà sưu tập, thậm chí từ cả nước ngoài để gom về những di sản mà bao đời ông cha đã để lại mà con cháu có trách nhiệm gìn giữ, tôn vinh. Đúng là một cái duyên!

Miệt mài gom góp với niềm đam mê bất tận, trải qua hơn hai chục năm sưu tầm, đến nay ngôi nhà của tôi đã đầy ắp những gốm và gốm. Tôi thu xếp để dành những không gian hợp lý nhất cho gốm. Mọi người cứ hỏi tôi tại sao không thành lập bảo tàng gốm tư nhân. Tôi tự nhận thấy không có đủ điều kiện để làm việc đó. Có điều, hàng tuần tôi vẫn tiếp đón các khách quý đến nhà để cùng thưởng lãm, tranh luận và trao đổi kiến thức về cổ vật, về gốm cổ Việt Nam, trong đó có các nhà sưu tập, các nhà nghiên cứu, khảo cổ, các nhà bảo tàng trong và ngoài nước…

Để mở rộng không gian giao lưu, tôi có mở một trang Facebook và được khá nhiều cư dân mạng quan tâm, đặc biệt giới cổ vật. Rất mừng là số lượng người sưu tập gốm và cổ vật hiện nay rất đông, có cả những thế hệ 8X và 9X nữa. Cũng vì vậy mà giá trị cổ vật ở Việt Nam, đặc biệt là gốm cổ tăng chóng mặt.

Duyên gốm 1

Nếu ngày trước cổ vật Việt Nam chảy máu ồ ạt với giá rẻ mạt thì ngày nay các nhà buôn và các nhà sưu tập trong nước phải lặn lội ra nước ngoài hoặc tham gia đấu giá quốc tế để mang về những hiện vật đã từng ra đi. Giá gốm cổ Việt Nam hiện nay cao hơn khá nhiều so với mặt bằng giá quốc tế. Đó cũng là một tín hiệu vui. Điều đó đã từng xảy ra đối với một số quốc gia vốn trước đây thuộc diện nghèo khó như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Gốm Việt Nam đang hiện diện ở các bảo tàng lớn thuộc các quốc gia phát triển trên thế giới mà mỗi khi đến thăm, hẳn người Việt, nhất là giới cổ ngoạn Việt Nam cảm thấy rất tự hào bởi cũng đơn giản thôi, gốm cổ Việt Nam đã phát triển khá sớm từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, Ốc Eo, Sa Huỳnh cho đến cả thời kỳ Đại Việt và có thứ hạng cao trên bản đồ gốm cổ thế giới.

Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, Bảo tàng Văn minh Châu Á tại Singapore, một trong những bảo tàng có nhiều cổ vật Việt Nam nhất, đặc biệt là gốm cổ, đã mở một cuộc triển lãm cổ vật Việt Nam. Ngoài hơn trăm cổ vật huy động từ các bảo tàng lớn của Việt Nam, bảo tàng này có đặt vấn đề mượn của tôi 5 hiện vật gốm Việt quý hiếm để trưng bày trong thời gian 6 tháng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam đã sang cắt băng khánh thành. Cuộc triển lãm đã gây được tiếng vang và thu hút rất nhiều khách tham quan. Sau đó, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore cũng đề nghị mượn lại những hiện vật này để trưng bày tiếp 6 tháng. Sự kiện đó đã nói lên nhiều điều khiến giới sưu tầm cổ vật Việt Nam phải suy ngẫm.

Một truyền thống riêng biệt

Nói về gốm cổ Việt Nam, ngoài giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ ta còn khám phá thêm nhiều điều kể cả trong nghệ thuật kinh doanh và gìn giữ bảo tồn văn hóa Việt.

Thứ nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trải qua ngàn năm bị đô hộ, văn hóa Việt Nam, trong đó có nghệ thuật gốm vẫn không bị đồng hóa, vẫn giữ được bản sắc riêng. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng khi còn sống đã từng viết: “Gốm Việt Nam là một dòng chảy riêng biệt, với nhiều bản sắc về hình loại và trang trí mỹ thuật”. Còn tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng: “Ngay từ khi mới khai sinh, dòng gốm hoa nâu Việt Nam đã đượm hơi thở và sức sống của thời đại - một thời đại được mệnh danh là thời kỳ phục hưng của văn hóa và văn minh Việt... chính là nhờ sự chống trả quyết liệt của văn hóa bản địa, trước văn hóa ngoại lai, để bảo tồn truyền thống và mềm dẻo tiếp nhận văn hóa bên ngoài, để làm giàu văn hóa nước nhà”. John Stevenson và John Guy thì ngắn gọn: “Gốm Việt Nam một truyền thống riêng biệt”.

Duyên gốm 2

Thứ hai, đó là sự hòa nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nằm giữa sự giao thoa của văn hóa phương Bắc và các nước Đông Nam Á ở phía Nam, gốm cổ Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật gốm Trung Hoa và một số nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa để làm phong phú hơn các motip trang trí trên gốm Việt.

Thứ ba là tận dụng thời cơ để mở rộng thị trường. Từ cuối thế kỷ XIV, khi nhà Minh thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, hạn chế giao thương với ngoại bang thì ngành sản xuất gốm ở nước ta đã tận dụng thời cơ, mở rộng giao thương, trở thành nơi sản xuất gốm xuất khẩu lớn nhất khu vực. Gốm Đại Việt đã từ thương cảng Vân Đồn theo con đường tơ lụa trên biển, xuất khẩu đi Nhật Bản, các nước khu vực Đông Nam Á (nhiều nhất là tới Indonesia và Philippines) và các quốc gia ở Trung Cận Đông.

Gốm hoa nâu: Biểu tượng rực rỡ nhất của văn hoá Phật giáo thời Lý - Trần

Trở lại với việc sưu tập gốm Việt. Chính vì sự độc đáo của gốm Đại Việt, đặc biệt là dòng gốm hoa nâu nên thời gian đầu tôi tập trung sưu tập những hiện vật thuộc thời kỳ Lý - Trần (từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 14). Nhận định về dòng gốm này các học giả trong và ngoài nước cho rằng gốm hoa nâu xứng đáng có vị trí quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên truyền thống riêng biệt của gốm cổ Việt Nam. Gốm hoa nâu còn mang tính thời đại sâu sắc khi Phật giáo trở thành quốc giáo và phát triển rực rỡ suốt hai triều đại Lý - Trần. Không có một dòng gốm nào lại thấm đậm yếu tố Phật giáo như gốm hoa nâu. Hoa sen, lá sen, đài sen hiện diện hầu hết trên từng chi tiết của mỗi sản phẩm gốm, từ núm, nắp, vai, thân cho tới tận chân đế. Nhiều sản phẩm gốm nhìn toàn cục như một đóa sen. Trong thơ văn Lý - Trần có chất Thiền rất đậm thì trong nghệ thuật gốm hoa nâu ta cũng dễ cảm nhận của chất Thiền này. Những sự biến hóa khôn lường của vạn vật từ sen cúc, mây đều như đang hóa rồng, rồi cho đến những họa tiết, hoa văn liên hoàn, đan xen, hòa hợp đã thấm đậm triết lý đạo Thiền.

Gốm hoa nâu còn thể hiện truyền thống văn hóa cội nguồn. Ta vẫn bắt gặp các họa tiết trang trí từ thời văn hóa Đông Sơn thậm chí cả một đàn chim lạc dang cánh, nối đuôi nhau vòng quanh thân gốm, hệt như trên mặt trống đồng Đông Sơn.

Gốm hoa nâu còn là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Trong nhiều tác phẩm hoa nâu ta có thể bắt gặp những hình ảnh thu nhỏ chi tiết điêu khắc của những kiến trúc đương thời.

Duyên gốm 3
Bảo tàng Mỹ thuật Singapore cũng đề nghị mượn lại những hiện vật này để trưng bày tiếp 6 tháng. Sự kiện đó đã nói lên nhiều điều khiến giới sưu tầm cổ vật Việt Nam phải suy ngẫm.

Gốm hoa nâu dường như đã lưu giữ cả những thời khắc lịch sử của gần 400 năm chấn hưng và gìn giữ độc lập dân tộc. Nhiều họa tiết, mô típ trên gốm hoa nâu có thể cho ta biết hiện vật đó được chế tác vào thời bình hay thời chiến. Thời bình thì có cảnh đi săn, vinh quy bái tổ, đấu vật, chọi gà. Thời chiến thì tả cảnh tập trận, các chiến binh tay giáo, tay khiên cùng đàn voi ra trận. v.v...

Chỉ một dòng gốm thôi đã có bao điều để nói, để ngẫm suy. Mà ở Việt Nam ta có rất nhiều dòng gốm với rất nhiều lò gốm trải dài từ Bắc vào Nam. Mỗi dòng gốm, lò gốm đều có những nét đặc thù riêng, nét độc đáo và hấp dẫn riêng. Cũng vì lẽ đó gốm Việt là một vùng đất bao la để các nhà sưu tập và các nhà nghiên cứu khai phá.

Khi còn bận rộn với công việc sản xuất kinh doanh cùng bao nỗi lo toan, những thăng trầm, những stress và áp lực nặng nề, gốm đã mang lại cho tôi những không gian và thời khắc thư giãn để lấy lại sức lực, lấy lại sự tự tin, sự an nhiên, thanh thản… để trở lại với công việc với một nguồn năng lượng mới, được tiếp sức từ truyền thống và di sản cha ông.

Nay không còn áp lực của nghiệp doanh nhân nữa, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan, xã hội vẫn còn nhiều điều phải suy tư nhưng cái duyên với gốm vẫn còn, thời gian dành cho gốm cũng nhiều hơn, chuyện trò với gốm nhiều hơn, và tôi cùng cũng thường mang những câu chuyện riêng tư đó chia sẻ với bạn bè cùng sở thích, nhất là những bạn trẻ nhưng đã sớm có một tình yêu với văn hóa lịch sử nước nhà, đặc biệt là với gốm cổ Việt Nam. 

(*) Nhà sưu tập gốm Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Nguyên Giám đốc nhà in Trần Phú