ESG chỉ là hô hào hay sẽ chi phối quyết định đầu tư?

Phạm Sơn - 09:35, 06/06/2024

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia và cơ quan nghiên cứu, ESG đang dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế.

Điều này mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp theo đuổi thực hành các giá trị bền vững bởi sẽ tiếp cận được nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, những cơ hội ấy liệu có thực sự hiện hữu hay chỉ là những lời hô hào? Liệu đặt lên bàn cân giữa lợi nhuận và tính bền vững, các quỹ đầu tư lựa chọn cái nào?

Tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, TheLEADER có buổi trò chuyện với ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG và Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, VinaCapital.

Hiện nay, nhiều thông tin cho biết, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trên thế giới đang rất quan tâm đến khía cạnh ESG khi xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc dự án. Liệu đây mới chỉ là sự quan tâm thôi hay thực sự nhà đầu tư mong muốn rót tiền vào những dự án, doanh nghiệp bền vững?

Ông Vũ Chí Công: Xu thế ESG xuất phát và phát triển mạnh mẽ nhất từ phía châu Âu và lan ra toàn thế giới, đặc biệt là các nước phát triển trong khối OECD. Tại châu Âu hiện nay có nhiều ràng buộc pháp lý yêu cầu nhà đầu tư phải chuyển dịch xanh và minh bạch hơn trong việc tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư. 

Do đó, các quỹ đầu tư sẽ dần tăng cường xem xét các yếu tố ESG trong các quyết định đầu tư của mình và sẽ dành một khoản ngân sách nhất định đầu tư vào các dự án và doanh nghiệp theo tiêu chí ESG.

Đó là một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, và để đáp ứng xu thế đó, các quỹ đầu tư sẽ tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp đang thực hành ESG một cách thực chất. Hiện nay ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nổi bật về ESG vẫn còn tương đối hạn chế so với phần vốn khổng lồ mà các quỹ đầu tư dành cho các dự án bền vững, nên ESG là cơ hội rất lớn, giúp những doanh nghiệp tiên phong có lợi thế hơn trong tiếp cận nguồn vốn này.

Vì sao ESG trở thành yếu tố then chốt trong quyết định của các quỹ đầu tư?
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG và Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, VinaCapital.

Trong hiện tại là như vậy, thực hành tốt ESG thì sẽ có lợi thế hơn, và có thể được vay vốn với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên cần nhấn mạnh việc thực hành các tiêu chí ESG trong kinh doanh sẽ là những yêu cầu tất yếu trong việc thu hút các nguồn đầu tư quốc tế hoặc bán hàng cho các đối tác quốc tế. 

Trong thời gian qua, trao đổi với các ngân hàng và quỹ đầu tư, tôi nhận thấy ESG sẽ sớm trở thành yếu tố bắt buộc khi ra các quyết định đầu tư. Tức là thực hành không đủ tốt, không minh bạch thì rất khó có khả năng tiếp cận vốn, chứ sẽ không còn là “có thì tốt, không có thì thôi” hoặc “tôi thực hiện ESG thì sẽ được ưu đãi gì”.

Đầu tư vào các doanh nghiệp ESG, các quỹ có tính đến bài toán lợi nhuận? Liệu các quỹ có tin tưởng rằng tiêu chuẩn ESG sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận bền vững, hay chỉ quan tâm đến ESG do ràng buộc về pháp lý, thưa ông?

Ông Vũ Chí Công: Mỗi quỹ đầu tư đều có một khẩu vị rủi ro riêng. Như chúng ta đã biết, trong đầu tư thì rủi ro thường tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Vậy nên, các quỹ đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thường quan tâm đến ESG nhiều hơn, bởi các dự án ESG sẽ tạo ra lợi nhuận có thể không cao nhưng bền vững.

Thật ra, thông thường, các quỹ đầu tư khi quyết định rót vốn cũng không muốn doanh nghiệp nhận vốn đó gặp phải một biến cố, tai nạn hay một vụ lùm xùm nào đó khiến khoản đầu tư trở thành thành một khoản đầu tư tệ. Một khoản đầu tư an toàn, sinh lời về dài hạn sẽ thường được ưa thích hơn.

Tuy nhiên, không theo đuổi lợi nhuận bùng nổ trong trước mắt không có nghĩa là không cần đảm bảo khả năng sinh lời. Trừ các quỹ đầu tư với mục đích từ thiện, sẽ rất khó có quỹ đầu tư nào muốn rót vốn vào những dự án không khả thi về mặt kinh tế và không có khả năng sinh lời cho dù các tác động môi trường, xã hội có thể rất tiềm năng.

Khi xem xét khía cạnh ESG của một dự án, doanh nghiệp, quỹ đầu tư sẽ quan tâm đến những tiêu chí như thế nào?

Ông Vũ Chí Công: Mỗi quỹ đầu tư sẽ có một tiêu chí riêng, vì vậy, muốn tiếp nhận đầu tư, doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận và tìm hiểu nhà đầu tư tiềm năng của mình là ai và nguyên tắc đầu tư của họ là gì. 

Tùy thuộc vào định hướng riêng, các quỹ có thể quan tâm đến các khía cạnh khác nhau của phát triển bền vững, ví dụ như bình đẳng giới, tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn… Trong đó, các vấn đề về chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính đang rất được quan tâm trong hiện tại và tương lai.

Các thương vụ đầu tư luôn phải trải qua khâu thẩm định, nên nếu doanh nghiệp cố ý che dấu hoặc công bố thông tin sai lệch sẽ thường không có kết quả thẩm định tốt. Khi đó, sẽ mất thời gian của tất cả các bên.

Tuy nhiên, nhìn chung, các quỹ mong muốn doanh nghiệp trước tiên là có một giá trị cốt lõi rõ ràng về việc tích hợp ESG vào vận hành doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp như thế nào. 

Tiếp theo là có một chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể, từ ngắn hạn đến trung và dài hạn, với các giải pháp rõ ràng và đặt mục tiêu cao hơn trong tương lai. 

Và cuối cùng là doanh nghiệp cần ghi chú, lưu trữ và chia sẻ thông tin một cách rõ ràng, minh bạch về quá trình thực hiện ESG của mình.

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các quỹ đầu tư không quá kỳ vọng vào việc doanh nghiệp có khả năng triển khai ESG một cách thực sự hoàn hảo. Thay vào đó, tự nhận thức tốt về những tình hình nội tại của mình cùng một lộ trình rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp được quỹ đầu tư đánh giá tốt.

Tuy nhiên, những rủi ro về tẩy xanh hiện nay cũng rất được quan tâm. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên trung thực và dựa trên số liệu, minh chứng thực tế khi đưa ra các báo cáo ESG. Các thương vụ đầu tư luôn phải trải qua khâu thẩm định, nên nếu doanh nghiệp cố ý che dấu hoặc công bố thông tin sai lệch sẽ thường không có kết quả thẩm định tốt. Khi đó, sẽ mất thời gian của tất cả các bên.

Như ông nói, quỹ đầu tư quan tâm nhiều đến yếu tố E, vậy còn yếu tố S – môi trường và G – quản trị sẽ ít nhận được sự quan tâm hơn?

Ông Vũ Chí Công: Không phải là như vậy, bởi yếu tố S và G thực chất đã được tích hợp sâu vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố S thể hiện qua mối quan hệ của doanh nghiệp với người lao động và cộng đồng, các chương trình trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp triển khai nhiều năm, đơn cử như các chương trình trích một phần lợi nhuận để giúp đỡ người nghèo, phát quà cho người yếu thế.

Còn không cần đến sự xuất hiện của khái niệm ESG, yếu tố G đã là mối quan tâm hàng đầu trong quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư rồi. Với bất cứ khoản đầu tư nào, quỹ đầu tư cũng phải xem xét đến việc doanh nghiệp đảm bảo cấu trúc quản trị của doanh nghiệp thế nào, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế ra sao, cơ cấu hội đồng quản trị hay chiến lược phát triển kinh doanh là gì, bởi đó là những vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định hiệu quả vận hành của doanh nghiệp.

Môi trường và xã hội đâu đó vẫn còn là một điểm cộng mang tính khuyến khích và nhà đầu tư có thể đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa ra một lộ trình cải thiện dần dần, còn quản trị luôn đóng vai trò bắt buộc, tạo ra tính quyết định cho một dự án đầu tư.

Thực ra, trong bối cảnh hiện nay, môi trường và xã hội đâu đó vẫn còn là một điểm cộng mang tính khuyến khích và nhà đầu tư có thể đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa ra một lộ trình cải thiện dần dần, còn quản trị luôn đóng vai trò bắt buộc, tạo ra tính quyết định cho một dự án đầu tư.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ban hành những chính sách, đưa ra các sáng kiến rất hữu ích cho môi trường, xã hội nhưng nếu thiếu đi vai trò của quản trị thì các chính sách, sáng kiến đó khó có thể thành công khi triển khai thực tế.

Như những điều ông vừa chia sẻ, tiêu chuẩn ESG là rất quan trọng để doanh nghiệp kinh doanh, giao thương và tiếp cận vốn quốc tế. Vậy với những doanh nghiệp hoạt động trong nước, không có nhu cầu vay vốn, điều gì khiến họ phải “làm” ESG?

Ông Vũ Chí Công: Đối với những doanh nghiệp đó, tôi tạm chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp có niềm tin ESG đem lại giá trị và sự trường tồn. Họ muốn tạo ra tác động tích cực bởi ý thức được trách nhiệm của bản thân, muốn bảo vệ một môi trường an lành, một xã hội lành mạnh cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng suy nghĩ được như vậy. Trong xã hội luôn tồn tại những doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, những doanh nhân làm kinh doanh để kiếm tiền thật nhanh, thậm chí bất chấp.

Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến tiền mà không tính đến ESG thì rất rủi ro. Đơn cử như một hãng bột ngọt trước đây luôn dẫn đầu về thị phần nhưng sau một sự cố về xả thải trái phép ra môi trường, đến nay thương hiệu đã trở nên nhạt nhòa trong mắt người tiêu dùng.

Tôi tin rằng, không doanh nhân nào mong muốn doanh nghiệp mà mình bỏ công gây dựng trong nhiều năm lại có thể bị sụp đổ một ngày nào đó. Để tránh điều đó thì doanh nghiệp nên theo đuổi những giá trị bền vững, lâu dài. ESG có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ và tăng dần mức độ cam kết theo thời gian chứ không nhất thiết phải đưa ra một chiến lược to lớn ngay từ đầu.

Trên hết, tôi vẫn tin rằng ESG thực sự sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Ít nhất là doanh nghiệp nên đảm bảo yếu tố quản trị hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch cũng như tuân thủ pháp luật và các giá trị đạo đức.

Xin chân thành cảm ơn ông!