'Eximbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả 245 tỷ đồng bị mất cho khách hàng'

An Chi - 16:23, 26/02/2018

TheLEADERNhiều luật sư cùng cho rằng, trong vụ việc khách hàng mất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng.

'Eximbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả 245 tỷ đồng bị mất cho khách hàng'
Ngân hàng Eximbank.

Một thông tin đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP. HCM. 

Theo đó, một nữ khách hàng đã bị mất số tiền 245 tỷ đồng sau ba năm gửi tiết kiệm tại ngân hàng này.

Người đã chiếm đoạt tiền của khách hàng là ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh TP. HCM. Theo thông tin ban đầu, ông Lê Nguyễn Hưng đã rút tiền ở sổ tiết kiệm của khách hàng bằng cách lợi dụng khách hàng ký khống giấy ủy quyền. Năm 2017, khách hàng kiểm tra số dư sổ tiết kiệm đã phát hiện mất gần 245 tỷ đồng.

Như TheLEADER đã đưa tin, sau khi vụ việc xảy ra, Ngân hàng Nhà nước siết giao dịch sau vụ mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, đây không phải là vụ việc đầu tiên khách hàng bị mất khi gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Khách hàng có quyền khởi kiện Eximbank, yêu cầu trả lại tiền
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Theo luật sư Đức, trong thời gian gần đây, các vụ việc mất tiền của khách hàng đang diễn ra ngày càng nhiều với số tiền ngày càng lớn. 

Nếu không có giải pháp chẩn chỉnh, xử lý kịp thời, sẽ rất nguy hiểm cho lòng tin của khách hàng đối với các ngân hàng. Đặc biệt là nguy cơ dẫn đến các vụ mất tiền tại ngân hàng liên tục tiếp diễn.

Về trách nhiệm của các bên liên quan đối với số tiền 245 tỷ đồng của khách hàng bị mất, luật sư Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khách hàng bị mất tiền là do lỗi của ngân hàng. Ở đây có thể khẳng định là do cán bộ ngân hàng đã có hành vi tiêu cực, vi phạm sai trái. 

"Về lý, ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý nhân viên của mình và trách nghiệm đối với sự an toàn tiền gửi của khách hàng. Thủ đoạn gian lận là của nội bộ ngân hàng, không phải của người ngoài nên ngân hàng buộc phải chịu trách nhiệm. 

Nếu ngân hàng không làm được việc này, không đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng thì khách hàng sẽ luôn phải trong trạng thái lo lắng, sợ hãi vì không biết tiền trong tài khoản của mình ngày mai còn hay mất”, Chủ tịch Công ty Luật BASICO nhận định.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú cũng cho rằng, khi khách hàng mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng, tức là họ đã trở thành khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng. 

Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: "Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật". Điều 10, Luật các Tổ chức tín dụng cũng quy định các ngân hàng và tổ chức tín dụng có "Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng". Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm đối với số tiền gửi của khách.

Theo luật sư Tú, trong vụ án này, hành vi của ông Hưng không phải là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi có hành vi lén lút rút tiền của khách mà có dấu hiệu của tội “trộm cắp tài sản” hoặc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà người bị hại ở đây là Ngân hàng Eximbank".

Khách hàng có quyền khởi kiện Eximbank, yêu cầu trả lại tiền 1
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú

"Tuy nhiên, ông Hưng chỉ là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng thực hiện nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Khách hàng giao dịch với ngân hàng, chứ không giao dịch với cá nhân cán bộ ngân hàng. Do vậy, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng của mình. 

Khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Trách nhiệm hình sự của ông Hưng phải chịu với Nhà nước độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng", luật sư Tú khẳng định.

Người dân có thể sẽ "quay lưng" với ngân hàng

Về cách thức giải quyết của ngân hàng trong trường hợp này, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, ngân hàng nên giữ uy tín, tạo lòng tin và nơi khách hàng bằng cách xem xét đền bù cho khách hàng, đồng thời kèm theo lời hứa sẽ kịp thời xử lý lỗ hổng bảo mật, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ. 

Nếu ngân hàng trốn tránh trách nhiệm và né đền bù, đẩy trách nhiệm cho cá nhân cán bộ sai phạm và thiệt hại cho khách hàng sẽ khiến người dân quay lưng với ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú nhận định.

Đưa ra lời khuyên cho khách hàng nhằm tránh những rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, khách hàng không không nên giao dịch ngoài trụ sở mà nên đến trực tiếp các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch. 

Khi nộp tiền khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng. Người gửi tiền có thể lưu giữ lại bằng chứng bằng việc sử dụng thiết bị di động, thiết bị điện tử quay lại video clip toàn bộ quá trình giao dịch của mình.

Theo luật sư Tú, nếu giao dịch số tiền lớn, người gửi tiền nên cân nhắc về việc mời đơn vị thừa phát lại đến ngân hàng để lập vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch của mình. Việc lập vi bằng sẽ phát sinh chi phí, tuy nhiên so với những rủi ro tiềm ẩn cho số tiền gửi của mình, thì những chi phí phát sinh đó không hề là cao. 

Ngoài ra, người dân nên chọn những ngân hàng uy tín trong hệ thống và chưa phát sinh những tiền lệ thất thoát tiền của người gửi để giao dịch.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng khuyến cáo khách hàng nên "chọn mặt gửi vàng", gửi tiền tại các ngân hàng lớn, uy tín. Khách hàng nên đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch trực tiếp, kiểm tra đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định.

Đối với những khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần uyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu, nếu không thực sự hiểu rõ. 

Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu. 

Đồng thời, khách hàng nên đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm để sớm phát hiện ra những bất thường trong tài khoản của mình và có biện pháp xử lý kịp thời.