FPT 'miễn nhiễm' với dịch Covid-19 trong ngắn hạn

Trần Anh - 12:03, 12/03/2020

TheLEADERTập đoàn FPT là một trong những cái tên hiếm hoi được đánh giá là chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong ngắn hạn. Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, xu hướng chuyển đổi số tiếp tục ảnh hưởng tích cực đến mảng xuất khẩu phần mềm của FPT.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, kết quả kinh doanh trong quý 1 và quý 2/2020 của FPT chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi doanh thu trong 2 quý này chủ yếu đến từ các hợp đồng đã ký từ năm 2019 và đầu năm 2020.

Các hợp đồng trong năm 2020 của FPT phân theo ngành nghề hiện đang tập trung nhiều ở các lĩnh vực: giao vận, tiện ích, chăm sóc sức khỏe. Đây là các ngành ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Một tỷ trọng khách hàng nhỏ hơn nằm ở các ngành ngân hàng, giải trí, dù các lĩnh vực này chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều hơn nhưng tỷ trọng đóng góp lại không lớn.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài qua quý 2 và lan rộng tới các thị trường trọng yếu của FPT như Nhật Bản, Mỹ, số lượng hợp đồng mới có thể giảm sút ở quý 3 và quý 4. Độ trễ lớn giữa các bản hợp đồng sẽ tác động tới doanh thu cuối năm 2020 và đầu năm 2021 của FPT.

Mặc dù vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ không kéo dài quá lâu, vì vậy tiềm năng tăng trưởng của FPT vẫn tỏ ra khả quan. Mảng gia công phần mềm sẽ tiếp tục giữ vững nhịp tăng trưởng tốt nhờ sự chuyển biến nhanh của xu hướng công nghệ trên thế giới.

Thị trường Nhật Bản tiếp sẽ tiếp tục là thị trường chủ chốt của FPT. Tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và 2019 tại thị trường Nhật Bản có động lực từ Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại Tokyo năm 2020. Sau sự kiện này, tăng trưởng có thể chậm hơn nhưng Nhật Bản sẽ vẫn là thị trường IT ousourcing chính của FPT. Trong khi đó, thị trường Mỹ tiềm năng thứ hai nhờ mua lại Intellinet và các hợp đồng là kết quả trực tiếp từ thương vụ này.

Ở mảng tích hợp hệ thống, thị trường nội địa đang cho thấy nhiều tiềm năng. Nhu cầu cho các dịch vụ chuyển đổi số tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở 3 nhóm đối tượng: tài chính ngân hàng; khu vực công; cơ sở hạ tầng cho các công ty viễn thông. Và hợp đồng tập cung cấp chủ yếu tập trung ở các dịch vụ điện toán đám mây (icloud). Đây là mảnh đất tiềm năng của FPT bởi đối với các dự án tư vấn giải pháp công nghệ lớn, khách hàng có xu hướng tìm đến các nhà cung cấp nước ngoài đã có tên tuổi, các doanh nghiệp Việt Nam đảm nhiệm các dịch vụ hỗ trợ như tích hợp hệ thống, vận hành, bảo trì,..

Ngoài ra, việc chính phủ đã cho phép thử nghiệm cơ chế thí điểm cho fintech trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nâng cấp các cổng thông tin chính phủ và các hệ thống bảo mật cho thấy còn rất nhiều cơ hội cho mảng tư vấn và thi công các giải pháp công nghệ ở thị trường nội địa.

Tuy vậy, để thực sự hưởng lợi từ xu hướng này, FPT cần chứng tỏ được năng lực công nghệ cạnh tranh của mình so với các doanh nghiệp đối thủ tại Việt Nam để có thể bứt phá trong mảng kinh doanh nội địa.

Một mảng kinh doanh lõi khác là mảng viễn thông. Tăng trưởng mảng băng thông rộng của FPT hiện đang chậm lại do doanh thu trung bình mỗi thuê bao giảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thuê bao được dự báo sẽ vẫn ở mức 20%, kéo doanh thu mảng băng thông rộng tăng trưởng 13-14% trong năm 2020. Ngoài ra, doanh thu từ khối doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc có thêm 2 datacenter mới sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2020.

Ở mảng truyền hình, doanh thu truyền hình số tăng trưởng mạnh nhờ việc FPT liên tục đầu tư vào các nội dung truyền hình.

Với việc mảng kinh doanh lõi ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, BVSC dự báo FPT sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan. Hiện FPT cũng có các động thái mở rộng hoạt động kinh doanh khi cho ra mắt các sản phẩm công nghệ (Utop, v.v.), được lên ý tưởng từ các kinh nghiệm thực tiễn khi hoạt động trong mảng Outsourcing. Tiềm năng của hướng đi này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ và khả năng nắm bắt xu hướng của FPT.