FTSE Russell chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Dũng Phạm - 09:25, 29/09/2023

TheLEADERFTSE Russell cho biết mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm, nhưng các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình này.

Trong báo cáo mới nhất vừa được FTSE Russell công bố, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi. FTSE Russell cho biết Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang tích cực tìm kiếm giải pháp về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding).

Mặc dù Việt Nam đã được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) từ năm 2018, tuy nhiên, quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt diễn ra chậm hơn dự báo, một phần do dịch COVID-19.

Theo đó, trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng thị trường. Cụ thể, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)" – hiện đang được xếp hạng ở mức “hạn chế” (Restricted).

Điều này là do quy định bắt buộc phải có đủ 100% số tiền mới có thể thực hiện giao dịch. Cũng vì vậy, thị trường cũng chưa phải ghi nhận giao dịch thất bại nào nên mục “thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” hiện chưa được đánh giá.

Bên cạnh đó, FTSE Russell cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu đã hết room hoặc sắp hết room ngoại.

FTSE Russell cho biết mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm, nhưng các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình này. Thêm nữa, UBCKNN cũng đang tích cực tìm kiếm các giải pháp khả dĩ về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding).

Tổ chức này vẫn tiếp tục duy trì “mối quan hệ mang tính xây dựng” với UBCKNN, Ngân hàng Thế giới (WB), hãng kiểm toán Ernst & Young và các cơ quan phụ trách thị trường khác trong việc hỗ trợ chương trình cải tổ thị trường của Việt Nam.

“Việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán sao cho phù hợp với các quy định mới của Việt Nam là bước quan trọng kế tiếp. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam công bố chỉ dẫn rõ ràng hơn về các bước đi và lộ trình triển khai quá trình cải tổ”.

FTSE Russell dự kiến sẽ cập nhật trạng thái đánh giá khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam như một phần trong báo cáo phân loại thị trường vốn vào tháng 3/2024.

Trên thực tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang thể hiện rõ quyết tâm nâng hạng thị trường trước năm 2025 thông qua nhiều cuộc họp để tìm cách tháo gỡ các nút thắt.

Liên quan tới công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, ngày 26/9 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức một cuộc họp với các ngân hàng lưu ký trong nước và nước ngoài để chia sẻ và trao đổi về mô hình cho giải pháp tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding).

Theo Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi thực hiện lệnh giao dịch. Điểm hạn chế của cơ chế này là quay vòng vốn không tốt, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Do đó, prefunding tiếp tục là một trong 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, bên cạnh giới hạn sở hữu nước ngoài.

Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Về giải pháp ngắn hạn, có thể cấp margin dựa trên tài sản đảm bảo của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chiết khấu trong phạm vi kiểm soát rủi ro, nếu tài sản đảm bảo ở ngân hàng lưu ký thì công ty chứng khoán, khách hàng và ngân hàng lưu ký phải có sự thống nhất về định giá và quản lý tài sản.

Thứ hai là vấn đề độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, hiện room ngoại tối đa tùy thuộc vào quyết định của từng công ty, miễn là phù hợp với quy định, điều này dẫn đến việc một số ngành, công ty vì lý do nào đó giữ mức room ngoại thấp hơn mức tối đa được cho phép.

Trong dài hạn cần phải đưa room ngoại lên tối đa cho đa số các ngành và chỉ giới hạn ở một số ngành thực sự cần thiết. Một giải pháp khác đang được bàn luận nhiều là sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (non-voting depositary receipt – NVDR), sản phẩm này đã được Thái Lan áp dụng thành công trong một giai đoạn dài.

Theo một nghiên cứu từ học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. 

Ước tính từ World Bank cũng cho thấy việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD.