Gần 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý

Trần Anh - 12:42, 30/08/2018

TheLEADERTính đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ còn 2,09% giảm mạnh so với mức 2,46% thời điểm cuối năm 2016.

Gần 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý
Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng. Ảnh: SBV

Tại một hội nghị mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, sau một năm triển khai, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại ban hành theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng tín dụng đã có những bước cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tính đến 30/6/2018, hệ thống tài chính tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 2,09%, giảm so với mức 2,46% thời điểm cuối năm 2016.

Nhờ được trao thêm nhiều quyền năng cho cả phía ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng như công an, tòa án, chính quyền địa phương, lũy kế đến hết 15/8/2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phối hợp với các tài chính tín dụng xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng trên tổng số 309.711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Một năm sau Nghị quyết 42, VAMC đã xử lý nợ tương đương tổng giá trị cả 4 năm trước đó. Một số ngân hàng tồn đọng nhiều nợ xấu, như Agribank đã hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018. Theo báo cáo từ ngày 15/8/2017 đến ngày 15/8/2018, Agribank đã xử lý được 60.105 tỷ đồng nợ xấu của 145.290 khách hàng. 

Xử lý nợ xấu nhanh chóng cũng giúp quy mô của các tổ chức tín dụng phát triển nhanh chóng và ổn định hơn. Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 khi áp dụng cũng còn những vướng mắc. Chẳng hạn, việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang.

Bên cạnh đó là cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sảm đảm bảo chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên  gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.