Giá điện, nước sinh hoạt giảm kéo CPI tháng 4 âm

Nhật Hạ - 10:09, 29/04/2021

TheLEADERMột phần chi phí sinh hoạt của người dân giảm trong tháng 4 khi đồng loạt giá điện, nước sinh hoạt giảm lần lượt 0,73% và 1,57%; giá gas xuống 4,86%, dầu hỏa, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng rẻ hơn.

“Giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cuối năm 2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước”, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, tháng 4 có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức giảm nhiều nhất với 0,43% (làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm), trong đó: giá điện, nước sinh hoạt tháng 4 lần lượt giảm 0,73% và 1,57%; giá gas giảm 4,86% và giá dầu hỏa tăng 0,06%.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do nguồn cung dồi dào. Trong đó, lương thực giảm 0,01% ; thực phẩm giảm 0,25% ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%.

Ở mặt hàng lương thực, giá gạo đã giảm 0,1% do nguồn cung dồi dào, nhiều cửa hàng giảm giá gạo cũ để chuẩn bị kho cho thu mua gạo mới. Bên cạnh đó, giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu do cạnh tranh giá.

Còn các mặt hàng thực phẩm thì giá thịt lợn giảm mạnh nhất 1,75% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo; giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng giảm; giá thịt gà và trứng gia cầm giảm lần lượt 0,22% và 1,2%; giá thủy sản tươi sống giảm 0,57%. Riêng giá rau tươi, khô và chế biến tăng 1,48%; giá quả tươi và chế biến tăng 0,13%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11% chủ yếu do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa khiến giá hoa, cây cảnh giảm 7,32%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm giao thông tăng 0,87% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 27/3, 12/4 và 27/4 làm chỉ số giá xăng tăng 2,19%, dầu diezel tăng 0,25%; bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,84%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng khi thời tiết chuyển nắng nóng .

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.

Nhóm giáo dục tăng 0,03%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, người dân dễ mắc bệnh hô hấp nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.

Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không thay đổi.

Giá điện, nước sinh hoạt giảm giúp kìm hãm CPI tháng 4

CPI tháng 4/2021 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,70% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất

Bên cạnh đó, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 4/2021 tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lần lượt 0,89% và 7,82%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 0,32% và tăng 4,49%; dùng cho xây dựng tăng 0,18% và tăng 2,06%.

Tính chung 4 tháng qua, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.

Đáng lưu ý, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; biến đổi khí hậu làm mất mùa.

Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm nay tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4 tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ năm trước, do đó kể từ đầu năm đến nay tăng 8,79%; giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 1,26% và tăng 5,09%, tính chung 4 tháng tăng 3,6%.